Kết quả 3 năm thực hiện Luật Việc làm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Thứ tư - 26/06/2019 21:43
Luật Việc làm là văn bản luật đầu tiên của Việt Nam về việc làm điều chỉnh mọi đối tượng lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.

Luật Việc làm là văn bản luật đầu tiên của Việt Nam về việc làm điều chỉnh mọi đối tượng lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.

Để triển khai Luật Việc làm tới người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc làm, HĐND và UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình việc làm trên địa bàn tỉnh, như: Nghị quyết số 70/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh về Chương trình việc làm tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2020, Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 24/02/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình việc làm tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020 và các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách việc làm công, phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án phát triển thị trường lao động và việc làm,….

Từ khi Luật việc làm có hiệu lực và được triển khai, áp dụng thực hiện đến nay, 05 nhóm vấn đề lớn về: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định:

Về chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm: Với việc áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm đã có 4.266 người lao động (trong đó có 2.441 lao động nữ; 29 lao động khuyết tật; 1.656 lao động là người dân tộc thiểu số) được hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Về chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh được thực hiện trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2015 trở lại đây, có 7.739 lao động nông thôn được đào tạo nghề, 20.360 lượt lao động nông thôn được Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn về việc làm .

Về chính sách việc làm công: Đây là chính sách mới với mục tiêu cung cấp việc làm tạm thời có trả công cho người lao động thông qua việc thực hiện dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã, gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng tại địa phương. Đến hết năm 2018, trên toàn tỉnh có 203 dự án thực hiện chính sách việc làm công; số người được giải quyết việc làm thông qua các hoạt động, dự án thực hiện chính sách việc làm công là 5.056 người.

Về chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Giai đoạn 2015-2018, toàn tỉnh có 73 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các thủ tục để đi làm việc ở Đài Loan và Nhật Bản.

Về hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên: Đến hết năm 2018, có 142 đối tượng là thanh niên bộ đội xuất ngũ được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp nghề, theo thống kê của cơ quan lao động địa phương, có trên 80% các em sau khi kết thúc học nghề đã tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hỗ trợ thanh nhiên khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp thông qua: các buổi nói chuyện chuyên đề về định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; các lớp bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng làm việc, tìm việc cho thanh niên đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người dân tộc thiểu số tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

Về bảo hiểm thất nghiệp: Năm 2018, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là: 16.589 người, chiếm 71% tỷ lệ so với số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về thông tin thị trường lao động: Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện phân tích dữ liệu về cung-cầu lao động (78.773 phần cung lao động và 1.020 phần cầu lao động). Kết quả thu thập thông tin thị trường lao động được cơ quan lao động phân tích, đánh giá để làm cơ sở cho chính quyền các cấp và các ngành của tỉnh hoạch định các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực bám sát các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia: Việc tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia là nhằm khuyến khích người lao động không ngừng nâng cao trình độ kỹ năng nghề của bản thân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Từ năm 2015 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 1.662 người lao động được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, trong đó: 600 người được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Bậc 3 trở lên, 604 người được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Bậc 2 và 458 người được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Bậc 1.

Tác giả: Minh Huyền

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây