Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về sáp nhập thôn, tổ dân phố, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm tổ chức thực hiện nhằm tạo được sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền và người dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn
Theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 26/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, tiểu khu; ghép cụm dân cư giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và đổi tên tổ dân phố thuộc phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn, toàn tỉnh có tổng số 212 thôn, tổ dân phố trong diện sáp nhập. Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Kạn còn 1.310 thôn, tổ dân phố, tiểu khu, tổ nhân dân.
Toàn tỉnh có tổng số 212 thôn, tổ dân phố trong diện sáp nhập |
Xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng, tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân, do vậy quá trình thực hiện đã được các cấp, ngành xem xét kỹ lưỡng, triển khai thận trọng, đặt vấn đề ổn định lên trên hết, đặc biệt trong năm 2020 là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp và nhiều sự kiện chính trị quan trọng khác.
Qua lắng nghe ý kiến trong quá trình triển khai thì điều băn khoăn, trăn trở của người dân là việc phải thay đổi thông tin các loại giấy tờ tùy thân. Bên cạnh đó là về sắp xếp, sử dụng các cơ sở vật chất, nhà văn hóa; việc sáp nhập sẽ làm tăng quy mô thôn, tổ dân phố, dẫn đến áp lực đặt ra đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cũng tăng lên... Ngoài ra, một số thôn có sự tách biệt về địa lý hoặc có sự khác nhau về tôn giáo cũng là một khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trước những khó khăn trên, toàn tỉnh xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, MTTQ các cấp cùng vào cuộc để thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, nhà nước và của tỉnh về việc sáp nhập thôn, tổ dân phố tiểu khu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhất là những khó khăn, vướng mắc để báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Để thuận tiện cho các địa phương trong triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành Hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND, trong đó bao gồm cả hướng dẫn công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai Nghị quyết, tổ chức Lễ công bố Nghị quyết; hướng dẫn về trình tự, thủ tục miễn nhiệm, bầu, bổ nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố…
Từ công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố đều được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc quyết liệt, tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật và thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai minh bạch, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Đến nay, cơ bản các thôn, tổ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 21/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Bố trí cán bộ sau sáp nhập thôn, tổ
Thời gian qua, các bước chuẩn bị cho việc thành lập thôn mới được các địa phương thực hiện chu đáo, nhân dân cũng đồng thuận cao tại các cuộc họp. Một trong những khâu hết sức quan trọng, quyết định cho việc hoàn thành chủ trương sáp nhập, thành lập thôn mới là làm công tác nhân sự.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Du nhấn mạnh: Sáp nhập thôn, tổ dân phố và tiểu khu trên địa bàn tỉnh sẽ tác động tới nhiều cán bộ ở cấp cơ sở, đời sống của nhân dân và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh của địa phương. Do vậy đồng chí đề nghị các cấp, ngành cần hướng dẫn và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để tạo sự thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng và thực hiện nghiêm túc, minh bạch ngay từ khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sáp nhập. Cụ thể, tổ chức kiện toàn, bố trí, sắp xếp nhân sự những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố mới. Các xã, thị trấn hiệp thương nhân sự, kiện toàn chức danh ở thôn, tổ dân phố bao gồm: Kiện toàn Chi ủy, chức danh Bí thư Chi bộ và Phó Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn, Tổ Trưởng dân phố; Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn; Công an viên (đối với thôn), Ủy viên Ban bảo vệ dân phố (đối với Tổ dân phố), Thôn đội trưởng, nhân viên Y tế thôn, bản.
Chế độ chính sách cho các trường hợp nghỉ giữa kỳ, các trường hợp được chỉ định lâm thời, các trường hợp được bầu, bổ nhiệm mới cũng được xem xét kỹ lưỡng.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức kiện toàn bộ máy hoạt động ở thôn, tổ mới xong trước ngày 15/11/2019. Trong đó, nhân sự do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức hội đoàn thể cấp xã, thôn tổ dân phố lựa chọn phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả theo tiêu chuẩn quy định.
Với cách làm linh hoạt, minh bạch, đúng quy định, các vướng mắc dần được tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với một số trường hợp chưa kịp bố trí kịp thì Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND cấp xã thống nhất với các ban ngành liên quan chỉ định lâm thời các chức danh Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn (Tổ trưởng Tổ dân phố). Đối với các chức danh không chuyên trách khác thì căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn của từng chức danh cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã căn cứ vào thẩm quyền của mình ra quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm.
Tổ dân phố số 5 và số 6, phường Đức Xuân sáp nhập thành tổ dân phố số 6 |
Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, vì vậy chủ trương được thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Quá trình triển khai thực hiện bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện để tỉnh thực hiện sáp nhập thôn tổ trong giai đoạn tiếp theo./.
Tác giả: Hương Lan
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn