Những năm qua, cùng với sự phát triển của du lịch Việt Nam, du lịch Ba Bể cũng đã phát triển khá nhanh và đạt được một số kết quả quan trọng. Hoạt động du lịch đã xây dựng các sản phẩm ngày càng đa dạng, lượt khách du lịch cũng như doanh thu tăng nhanh qua các năm. Thành quả đạt được chính nhờ phương thức quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của huyện Ba Bể nói riêng, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến môi trường phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh nói chung.
Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể đã phối hợp tốt với các ngành liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch |
Việc UBND tỉnh Quyết định thành lập Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể - đơn vị chuyên trách, chịu trách nhiệm chính trong tham mưu, hoạch định, tổ chức, thực hiện các hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện được coi là một bước đi mới đột phá mang tính chuyên môn hóa. Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể, các đơn vị, địa phương, các tổ chức kinh doanh du lịch cũng như người dân trên địa bàn đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và làm giàu từ dịch vụ du lịch. Cùng với đó, Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể phối hợp với các phòng, ban liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xử lý dứt điểm tình trạng chèo kéo du khách, sắp xếp, ổn định lại các bến thuyền; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch.
Huyện cũng giành một nguồn kinh phí để khắc phục, sửa chữa một số hạng mục công trình phục vụ du lịch đã xuống cấp như: Sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường dẫn, khu vực bến thuyền chuyên đưa, đón khách du lịch (Bến bờ bắc Hồ Ba Bể), sửa chữa, nâng cấp đường lên, xuống và bến thuyền ngang (Bến chuyên phục vụ dân sinh); sắp xếp, quy hoạch lại khu vực bán hàng của bà con trong khu vực bến thuyền đảm bảo mỹ quan, không vi phạm hành lang an toàn giao thông; sửa chữa và nâng cấp hệ thống công trình vệ sinh công cộng, xử lý có hiệu quả vấn đề thu gom, xử lý rác thải tại các điểm du lịch…
Điểm nhấn của khu du lịch chính là hồ Ba Bể và hệ thống hang động, thác ghềnh đẹp huyền ảo như: Động Puông, Động Hua Mạ, thác Tát Mạ, thác Đầu Đẳng, Ao Tiên, đảo Bà Góa… Thời gian qua, du lịch danh lam thắng cảnh là lĩnh vực thu hút chủ yếu lượng du khách. Số lượng, tần suất du khách đến thăm, trải nghiệm trong lĩnh vực này không ngừng tăng, tuy nhiên công tác giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị của các di tích đã bộc lộ những bất cập cần giải quyết, đó là vấn đề xâm lấn, tác động vào di tích, vấn đề vận chuyển, tiếng ồn của xuồng máy cũng như tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và cách thức quảng bá có phần hạn chế.
Du lịch văn hóa, tâm linh, duy chỉ có lễ hội lồng tồng Ba Bể được duy trì, tổ chức hằng năm, thu hút rất đông du khách thập phương đến vui xuân, trảy hội. Tuy nhiên, thực tế hình thức tổ chức, các nội dung trong lễ hội vẫn chưa phong phú, chưa phản ánh hết được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con các dân tộc trên địa bàn huyện. Du lịch sinh thái tuy có phát triển nhưng chủ yếu là tự phát, chưa được đầu tư một cách hệ thống, bài bản nên lượng du khách tham quan, trải nghiệm còn khiêm tốn…
Để công tác quản lý, khai thác, phát triển du lịch ở Ba Bể ngày càng đáp ứng được kỳ vọng của người dân và du khách, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian tới, huyện Ba Bể đã đề ra một số giải pháp cụ thể như: Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cấp huyện, cán bộ chính quyền địa phương liên quan đến du lịch; tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương cũng như các dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức về du lịch; khuyến khích hình thành các mạng lưới nghề nghiệp như mạng lưới du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, vận chuyển đường thủy… nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kinh doanh, giảm thiểu tối đa xung đột lợi ích và các mâu thuẫn khác; xây dựng hệ thống thông tin quản lý du lịch.
Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý nhà nước về du lịch được huyện coi là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch trên địa bàn huyện. Ngoài ra cần đầu tư đồng bộ điểm du lịch trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể thành điểm du lịch chất lượng cao, có sức thu hút lớn đối với khách quốc tế và trong nước, từ đó tạo đà cho các điểm du lịch vệ tinh và các dịch vụ hỗ trợ phát triển. Phát triển các điểm du lịch vệ tinh phụ trợ, củng cố các tuyến du lịch khép kín gắn với các dịch vụ trung chuyển và sinh hoạt hợp lý. Có cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư thêm dịch vụ mới. Đầu tư nâng cấp hạ tầng điện, thông tin, tăng cường và đổi mới việc quảng bá du lịch.
Mục tiêu là xây dựng Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia theo Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế mũi nhọn, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước./.
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn