Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện dân chủ gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của người đứng đầu và của các tổ chức đoàn thể quần chúng trong việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức, người lao động. Ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nâng cao, từ đó phát huy tính tích cực chính trị, tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, văn hóa công sở.
Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, các địa phương, cơ sở đã thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Những chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến nhân dân như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về mức thuế, phí, lệ phí; các khoản đóng góp của nhân dân, kết quả bình xét hộ nghèo; phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt chuẩn; sáp nhập thôn, tổ dân phố, khu dân cư …đều được công khai để dân biết, dân được bàn, dân được quyết định, được giám sát. Qua đó, nhân dân ngày càng nhận thức rõ hơn quyền và nghĩa vụ của công dân, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm, thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Từ năm 2016 đến nay, Ban Tiếp công dân cấp huyện, cấp xã (thuộc UBND các huyện, thành phố) đã tiếp 10.751 lượt công dân; giải quyết 3.888/4.083 đơn thư khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh.
Trụ sở Ban Tiếp công dân của tỉnh tiếp thường xuyên 121 lượt công dân; tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND tỉnh 22 lượt công dân. Ban Tiếp công dân tỉnh tiếp nhận 778 đơn và đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý theo quy định. Các cơ quan hành chính trong tỉnh đã tiếp 1.927 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 4.516 đơn thư.
Thực hiện Quyết định số 213-QĐ/TU ngày 01/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 10.751 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân, trong đó cấp huyện 3.921 cuộc, cấp xã 6.830 cuộc.
Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh đã quan tâm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với các dự thảo văn kiện của Đảng, các dự thảo luật và một số văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thông qua nhiều hình thức như tổ chức tọa đàm, diễn đàn, hội nghị, tiếp xúc cử tri....Thông qua các hoạt động này, các cấp ủy đảng, chính quyền đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của nhân dân để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.
HĐND tỉnh tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để lắng nghe, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/8/2019. Đến nay, 100% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa và được ứng dụng công nghệ thông tin thông qua phần mềm ứng dụng riêng. Các TTHC sau khi công bố đều được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và đăng tải nội dung chi tiết trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn, Trang thông tin điện tử và niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị. Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC được thực hiện thường xuyên.
Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã tạo mọi điều kiện phát huy quyền làm chủ của người dân, tạo thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức khi đến cơ quan giải quyết TTHC cũng như việc giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo sự thống nhất và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện CCHC; tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm, trình độ năng lực của cán bộ, công chức nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức các phong trào thi đua xây dựng cơ quan văn hóa; xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch vững mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kiểm điểm, xử lý kịp thời những công chức, viên chức và người lao động có vi phạm, đồng thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở./.
Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn