Dưới sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, ngày 9/8/1949, quân địch đã phải rút khỏi thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn). Đến ngày 24/8/1949, tỉnh Bắc Kạn hoàn toàn giải phóng. Trải qua 68 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Kạn đã vượt mọi khó khăn để gìn giữ và phát huy thành quả cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Bắc Kạn anh hùng trong kháng chiến
Ngày 09/3/1945, Nhật bất ngờ nổ súng, đảo chính Pháp. Trước tình thế rất thuận lợi cho cách mạng nước ta, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Quán triệt Nghị quyết của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng về việc khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo các hội đoàn cứu quốc tổ chức nhân dân thực hiện nhiệm vụ đánh đổ chính quyền địch, lập chính quyền cách mạng từ cấp xã, đến cấp châu (huyện), cấp tỉnh.
Tháng 5/1945, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã họp và ban hành Nghị quyết về vấn đề xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước, đề phòng thực dân Pháp quay trở lại. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, các lực lượng vũ trang cách mạng đã tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng khởi nghĩa. Cuối tháng 5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Tân Trào (Tuyên Quang) chỉ đạo thành lập Khu Giải phóng. Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo chính quyền, nhân dân tích cực tham gia xây dựng khu căn cứ địa cách mạng.
Sáng 19/8/1945, đại diện quân giải phóng và quân Nhật gặp nhau tại sân bay của tỉnh để trao đổi vấn đề thương lượng do chúng đề nghị. Ngày 21/8/1945, quân và dân vùng giải phóng tiến vào thị xã chào đón thắng lợi. Ngày 23/8/1945, quân Nhật rút khỏi thị xã Bắc Kạn. Ngày 25/8/1945, cuộc mít tinh trong toàn tỉnh được tổ chức tại thị xã Bắc Kạn. Đại diện Tổng bộ Việt Minh tuyên bố xóa bỏ toàn bộ chính quyền địch ở Bắc Kạn, thành lập chính quyền cách mạng.
Sau thất bại trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, bước sang năm 1948, thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng chiến lược, chuyển sang đánh lâu dài, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt. Thực hiện âm mưu thâm độc đó, chúng cho quân đóng lại và củng cố 05 cứ điểm tại Bắc Kạn.
Ngày 05/6/1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I đã được tổ chức tại Che Ngù, xã Yên Thịnh (nay thuộc xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn). Đại hội đã thống nhất chủ trương đẩy mạnh xây dựng lực lượng quân sự, gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; tích cực tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tiến lên giải phóng quê hương.
Ngày 26/6/1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II đã được tổ chức tại xã Bản Thi (huyện Chợ Đồn). Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ về công tác tổ chức, chính sách cán bộ; về công tác dân vận và củng cố chính quyền, hướng tới mục tiêu cao nhất là tiến lên giải phóng tỉnh Bắc Kạn.
Thực hiện quyết định của Trung ương Đảng về việc mở chiến dịch giải phóng Bắc Kạn vào Thu - Đông năm 1949, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ huy do đồng chí Nông Văn Quang phụ trách làm nhiệm vụ chuẩn bị hậu cần, quấy rối địch trên đường Bắc Kạn - Phủ Thông. Chiến dịch đường số 3 được mở đầu bằng trận phục kích ở Đèo Giàng, sau đó, tấn công địch ở Phủ Thông và thị xã Bắc Kạn. Ngày 09/8/1949, quân địch đóng tại thị xã Bắc Kạn và ở một số huyện như Phủ Thông, Ngân Sơn tháo chạy lên Cao Bằng. Ngày 17/8/1949, quân ta tiến hành truy kích địch ở Bằng Khẩu. Tại đây, quân ta đã lập công xuất sắc, đập tan hoàn toàn âm mưu chiếm đóng của địch tại Bắc Kạn. Cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta buộc thực dân Pháp phải rút chạy, Bắc Kạn trở thành tỉnh đầu tiên được giải phóng. Sự kiện lịch sử vẻ vang này được Đảng đánh giá cao, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Trong thư, Bác đã khẳng định “Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn”. Ngày 24/8/1949, tỉnh Bắc Kạn tổ chức lễ mít tinh trọng thể mừng ngày giải phóng.
Đổi thay trên quê hương cách mạng
68 năm đã qua kể từ ngày thị xã Bắc Kạn và toàn tỉnh Bắc Kạn được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn sau chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và phát triển kinh tế. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy nội lực, phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Những ngày tháng 8 lịch sử này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đang ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó tập trung thực hiện 4 chương trình trọng tâm: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, tạo bước chuyển cơ bản trong công tác cán bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào nông, lâm nghiệp, du lịch, hạ tầng công cộng và một số dịch vụ công; nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn, giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân làm, nhà nước hỗ trợ”; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng.
Nhờ những mục tiêu, chương trình được hoạch định rõ ràng, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, kinh tế của tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn, tạo đà cho phát triển. Kết thúc năm 2016, tổng giá trị gia tăng trên địa bàn (GRDP - theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 5.785 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch, tăng 6,33% so với năm 2015. Thu ngân sách hoàn thành chỉ tiêu giao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng.
Một góc thành phố Bắc Kạn hôm nay |
Phát huy lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nông sản của tỉnh đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Có 5 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ, cấp chỉ dẫn địa lý (Hồng không hạt Bắc Kạn, quýt Bắc Kạn) và nhãn hiệu tập thể (gạo Bao thai Chợ Đồn, miến dong Bắc Kạn, Gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn). Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70%, cao nhất cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp, ngành và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác. Hệ thống hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư với hệ thống siêu thị, chợ được đầu tư xây dựng. Dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Công tác lao động, việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội đạt được một số kết quả nhất định. Giáo dục - đào tạo bước đầu có chuyển biến, tiến bộ. Hệ thống trường, lớp, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chất lượng giáo dục từng bước được cải thiện, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm đều đạt trên 90%. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày một tăng. Mạng lưới y tế trên địa bàn thường xuyên được củng cố, phát triển với đầy đủ hệ thống bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã và một số phòng khám đa khoa khu vực. Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 500 giường bệnh đã được đưa vào sử dụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định...
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề và động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Kạn thêm quyết tâm phấn đấu, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, phát triển./.
Tác giả: Hương Lan
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn