Lịch sử ra đời Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Công đoàn Việt Nam, tiền thân là tổ chức Công hội đỏ Bắc kỳ được thành lập ngày 28/7/1929 tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội lần đầu tiên đã bầu ra Ban Chấp hành do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng phụ trách công tác công vận của Đảng đứng đầu. Sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ Miền Bắc ngày 28/7/1929 là mốc son đánh dấu lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.
Sự kiện này là kết quả tất yếu của phong trào vận động công nhân do Đảng ta lãnh đạo, là sự kế thừa truyền thống của Công hội Ba Son do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập, là kết quả sự truyền bá lý luận và tư tưởng đúng đắn, sáng tạo về công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông qua các Đảng viên cộng sản và phong trào công nhân nước ta.
Sự kiện thành lập Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam đánh dấu bước trưởng thành to lớn, quan trọng về chất của giai cấp công nhân Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có đoàn thể cách mạng rộng lớn của mình, có điều lệ, có cơ quan ngôn luận riêng đó là Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản. Sự ra đời của Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh chóng hệ thống công đoàn trong cả nước.
88 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã trải qua những chặng đường lịch sử đầy khó khăn nhưng cũng rất vẻ vang, với những tên gọi phù hợp với mỗi giai đoạn cách mạng như: Công hội đỏ (thời kỳ 1929 - 1935), Nghiệp đoàn ái hữu (1936 - 1939), Hội công nhân phản đế (1939 - 1941), Hội công nhân cứu quốc (1941- 1946), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946 - 1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961 - 1988) và từ năm 1988 đến nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Dù dưới tên gọi nào, tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng luôn thể hiện rõ tính thống nhất trong cả nước và góp phần tích cực vào việc xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, làm động lực đi đầu trong mọi giai đoạn cách mạng cũng như công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
70 năm Công đoàn tỉnh Bắc Kạn
Là một bộ phận của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn tỉnh Bắc Kạn sớm có ý thức giác ngộ cách mạng. Trước yêu cầu thu hút, tập hợp và ổn định tình hình đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, cuối năm 1946, Ban Công vận khu I đã cử đồng chí Nguyễn Văn Hướng, đồng chí Trần Đức Việt cùng một số cán bộ đến Bắc Kạn để vận động thành lập tổ chức Công đoàn. Tính đến cuối tháng 4 năm 1947, Bắc Kạn thành lập được một số Công đoàn cơ sở như: Công đoàn thị xã Bắc Kạn, Công đoàn Nhà Bưu điện, Công đoàn Viên chức, Xưởng Quân giới C1, C3, C4, C6… Trên cơ sở đó, tháng 5/1947, Hội nghị thành lập Công đoàn tỉnh Bắc Kạn được triệu tập - được coi là Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Kạn khóa I. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Công đoàn đầu tiên gồm 10 uỷ viên.
Trong suốt chặng đường lịch sử cách mạng 70 năm đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang, tổ chức Công đoàn Bắc Kạn đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và có những đóng góp to lớn vào quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân trong cả nước, tổ chức Công đoàn Bắc Kạn đã vận động cán bộ, công nhân tích cực tham gia bảo vệ chính quyền non trẻ, tham gia chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”; thi đua lao động sản xuất, chiến đấu góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực đóng góp sức người, sức của để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Bước vào thời kỳ đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tổ chức Công đoàn Bắc Kạn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tuyên truyền, giáo dục trong CNVCLĐ; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thu hút, tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đông đảo CNVCLĐ. Qua đó khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị và tiến bộ xã hội.
Từ khi thành lập đến nay, Công đoàn tỉnh Bắc Kạn đã trải qua 8 kỳ đại hội. Từ khi mới tái lập tỉnh Bắc Kạn, hệ thống công đoàn toàn tỉnh mới chỉ có 1 công đoàn cấp trên cơ sở (LĐLĐ thị xã) và 56 công đoàn cơ sở với trên 6.000 CNVCLĐ. Đến nay toàn tỉnh đã có 10 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 782 công đoàn cơ sở, với 25.976 CNVCLĐ.
Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Kạn lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013 - 2018 |
Chất lượng đội ngũ CNVCLĐ ngày càng được nâng lên về nhiều mặt, phần lớn được đào tạo cơ bản về học vấn, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Đại bộ phận CNVCLĐ có phẩm chất chính trị vững vàng, luôn tin tưởng, ủng hộ và quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; có tinh thần yêu nước, đoàn kết, có ý chí, tự lực, tự cường, nỗ lực trong sản xuất, công tác và học tập, tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực; là lực lượng trụ cột trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, giữ vai trò nòng cốt trong khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.
Những năm qua, tổ chức Công đoàn các cấp đã thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ. Phối hợp với chính quyền phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Quan tâm chăm lo đời sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trong CNVCLĐ góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Công đoàn Giáo dục và Đào tạo bàn giao “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn” |
Các cấp công đoàn đã giáo dục, bồi dưỡng hàng chục nghìn đoàn viên công đoàn ưu tú giới thiệu để Đảng xem xét kết nạp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tập hợp ý kiến của CNVCLĐ để tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm giải quyết. Tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là các chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động. Vận động, tập hợp đông đảo CNVCLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn, là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh. Nhờ đó, phong trào thi đua của lực lượng CNVCLĐ và hoạt động của các tổ chức Công đoàn đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh của địa phương.
Ghi nhận thành tích của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Bắc Kạn, trong những năm qua Công đoàn Bắc Kạn vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba. Năm 2014, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Năm 2015 được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu cụm thi đua 7 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2016 được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua...
Đ/c Vi Văn Nghĩa (Chủ tịch LĐLĐ tỉnh) nhận Cờ thi đua xuất sắc của Tổng LĐLĐ Việt Nam |
Những kết quả phong trào CNVCLĐ và hoạt động của tổ chức Công đoàn đã đạt được trong thời gian qua là kết quả của sự đoàn kết nhất trí, ý chí quyết tâm vươn lên, tinh thần lao động cần cù, năng động, sáng tạo, sự phấn đấu liên tục của các cấp công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tổ chức Công đoàn tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, tập hợp đội ngũ CNVCLĐ trong toàn tỉnh góp phần xây dựng và phát triển quê hương Bắc Kạn ngày càng giàu đẹp./.
Tác giả: Thu Hiền
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn