Ngày 24/5/2019, tại Nhà khách tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra Hội thảo “Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025”.
Các đồng chí: Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương, Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc Trung ương; lãnh đạo UBND và một số Sở, ban, ngành liên quan của 12 tỉnh Đông Bắc và Bắc miền Trung.
Quang cảnh Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe tóm tắt dự thảo Đề án. Theo đó, Đề án nêu rõ sự cần thiết ban hành, căn cứ xây dựng; thực trạng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mục tiêu tổng quát là nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân, gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng kết nối với các vùng phát triển; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…
Các đại biểu tham gia Hội thảo đều đánh giá cao các nội dung của dự thảo Đề án. Tuy nhiên, một số ý kiến góp ý cho rằng, cần đánh giá thêm thực trạng về thiết chế văn hóa và đưa ra mục tiêu cụ thể về văn hóa ở các vùng này. Bổ sung các giải pháp về công tác giám sát đối với các chính sách, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; chăm lo phát triển giao thông cho các bản, làng; quan tâm chính sách cho các nghệ nhân người dân tộc thiểu số. Tính toán mục tiêu cụ thể cho phù hợp; có thể xem xét việc lồng ghép mục tiêu truyền thông về giảm nghèo, xây dựng hệ thống thông tin cơ sở với mục tiêu của Đề án…
Đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương nhấn mạnh: Đây là Đề án rất quan trọng, làm căn cứ đề Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2015 và định hướng đến năm 2030. Ủy ban Dân tộc Trung ương ghi nhận, tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Thứ trưởng giao Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án./.
Tác giả: Thu Cúc
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn