Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, lây lan rất nhanh. Theo Cục Thú y, lợn nhiễm bệnh DTLCP có một số triệu chứng lâm sàng và bệnh tích như sau:
Triệu chứng lâm sàng
Lợn nhiễm bệnh DTLCP có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Thể quá cấp tính là do vi rút có độc lực cao, lợn chết nhanh, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc lợn nằm và sốt cao trước khi chết.
Thể cấp tính là do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5-420C). Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và vùng bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu trứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn mang thai có thể sảy thai ở mọi giai đoạn. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút có thể mạn tính thường không có triệu trứng nhưng sẽ là vật chủ mang vi rút DTLCP lâu dài.
Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường |
Thể á cấp tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình. Lợn biểu hiện triệu trứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn, lợn mang thai sẽ sẩy thai. Lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mạn tính.
Thể mạn tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da hoặc viêm loét da mạn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. tỷ lệ chất thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mạn tính.
Lợn mắc bệnh DTLCP có biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển. Do đó, việc chuẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng thường khó khăn, khó phân biệt với bệnh khác. Vì vậy, cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm của cơ quan thú y có thẩm quyền để xét nghiệm phát hiện vi rút DTLCP.
Bệnh tích
Thể cấp tính: Xuất huyết nhiều ở các hạch Lympho ở dạ dày, gan và thận. Thận có xuất huyết điểm, lá lách to có nhồi huyết. Da có màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân cho xuất huyết. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang bụng, có các điểm xuất huyết trên thanh quản, bàng quang và bề mặt các cơ quan bên trong; phù nề trong cấu trúc hạch lâm ba của đại tràng và phần tiếp giáp với túi mật, túi mật sung.
Thể mạn tính: Có thể gặp sơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại thử hạch, hạch phổi sưng, viêm dính màng phổi.
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cho lợn. Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Ở nhiệt độ phòng, vi rút trong huyết thanh lợn sống được 18 tháng, vi rút trong máu giữ trong tủ lạnh có thể sống đến 6 năm. Ở nhiệt độ càng lạnh thì vi rút càng tồn tại lâu.
Để phòng, chống dịch bệnh lây lan, theo khuyến cáo của tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), khi đàn lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP phải tiêu hủy bằng phương pháp chôn sâu 3 - 4m, bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột./.
Tác giả: Hương Dịu
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn