Báo cáo của Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho thấy, giai đoạn 2011 – 2016, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản thực phẩm tươi sống; trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm trên địa bàn...
Từ năm 2011 đến nay, ngành Y tế đã thực hiện cấp 694 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 3.127 cá nhân; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện cấp 15 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 01 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại huyện Ba Bể, đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với 6.071 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh; ngành Công thương cấp hơn 40 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 40 cơ sở.
Về tình hình ngộ độc thực phẩm, giai đoạn 2011 – 2016, toàn tỉnh xảy ra 30 vụ, với 323 người mắc, 274 người nhập viện điều trị, có 04 người tử vong. Trong đó, có 03 vụ ngộ độc tập thể với trên 30 người mắc, còn lại là ngộ độc thực phẩm gia đình, các nguyên nhân chủ yếu là do vi sinh vật có 14/30 vụ; thực phẩm có sẵn chất độc 11/30 vụ, số vụ còn lại không rõ nguyên nhân.
Trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã thành lập hơn 870 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, thực hiện 2.530 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với gần 29.000 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tiến hành xử lý vi phạm hành chính 416 cơ sở, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 300 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội một số vấn đề như: Đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp, hoàn thiện những thiếu sót hiện có của văn bản luật, đặc biệt là Luật An toàn thực phẩm để bảo đảm phù hợp với xu hướng phát triển thực tế, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý. Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm; bổ sung kinh phí cho các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nông Văn Chí– Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các ngành: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới, cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho UBND tỉnh ra các văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương được kịp thời; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; duy trì thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực này, nhằm bảm đảo sức khỏe cho người tiêu dùng trên địa bàn.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phương Thị Thanh– Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo đúng phân cấp của mình; kiện toàn Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp, phân công trách nhiệm, ban hành quy chế hoạt động của từng ngành phụ trách; công tác phối hợp giữa các ngành cần đồng bộ, chặt chẽ hơn; UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai mô hình thực phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương…/.
Quý Đôn
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn