Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính ra đời là cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, hiệu quả từ trung ương đến địa phương, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính với xây dựng chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính.
Công bố thủ tục hành chính là một trong những nội dung không thể thiếu trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính và theo quy định hiện hành thì công bố thủ tục hành chính có những điểm mới so với những quy định trước đây, cụ thể là:
Đơn giản hóa nội dung, quy trình công bố
Về nội dung, theo quy định của Nghị định số 92/2017/NĐ-CP đã sửa đổi quy định về thẩm quyền công bố của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ công bố thủ tục hành chính đối với các thủ tục được luật giao cho địa phương quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; còn đối với các thủ tục hành chính còn lại thì chỉ công bố danh mục thủ tục hành chính được áp dụng tại địa phương.
Về quy trình, với sự thống nhất đầu mối chủ trì triển khai thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại địa phương là Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định tại Nghị định số 92/2017/NĐ-CP nên việc kiểm soát chất lượng quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chính vì vậy, quy trình công bố thủ tục hành chính đã được sửa đổi theo hướng gắn trách nhiệm kiểm soát chất lượng quyết định công bố trong trách nhiệm thẩm tra hồ sơ trình dự thảo quyết định công bố của Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, quy trình, thời gian thực hiện công bố thủ tục hành chính sẽ cắt giảm được bước xin ý kiến trước khi trình ban hành quyết định công bố.
Hoàn thiện nội dung, quy trình công bố
Tiếp tục kế thừa những nội dung quy định về yêu cầu, trách nhiệm công bố thủ tục hành chính trước đây, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP tiếp tục quy định việc công bố phải đáp ứng năm tiêu chí sau: Đúng thẩm quyền; đảm bảo đầy đủ, chính xác về nội dung quy định thủ tục hành chính; đúng thời hạn; theo quy trình chặt chẽ và đảm bảo về mặt hình thức, kỹ thuật trình bày. Về trách nhiệm xây dựng quyết định công bố, Thông tư quy định các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh và xây dựng Quyết định công bố thủ tục hành chính được luật giao quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh sau khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.
Đồng thời, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP quy định cụ thể, rõ ràng hơn về điều kiện công bố thủ tục hành chính, theo đó, thủ tục hành chính đáp ứng đủ điều kiện công bố khi thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục giải quyết công việc (đối với trường hợp công bố thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị được phân cấp hoặc ủy quyền ban hành văn bản hướng dẫn thủ tục giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức); đã đầy đủ bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 92/2017/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP đã bổ sung hình thức, nội dung quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính và 02 quy trình công bố đối với công bố danh mục thủ tục hành chính, đối với công bố thủ tục hành chính quy định tại văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố, thông qua hoặc ký ban hành. Đối với quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính, nội dung và hình thức của quyết định này được quy định cụ thể kết cấu của quyết định gồm 02 phần: Quyết định và Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Trong đó, danh mục thủ tục hành chính được sắp xếp lần lượt theo thứ tự thẩm quyền và lĩnh vực giải quyết; nội dung danh mục thủ tục hành chính bao gồm tên, thời gian, địa điểm thực hiện thủ tục hành chính, căn cứ pháp lý và phí, lệ phí trong trường hợp được phân cấp hoặc ủy quyền quy định.
Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công bố TTHC, quyết định sẽ được gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định; đồng thời công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và tích hợp dữ liệu để công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ngoài ra, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP còn tăng cường sự tham gia, giám sát của cá nhân, tổ chức trong theo dõi, đôn đốc việc công bố thủ tục hành chính. Theo đó, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính phát hiện thủ tục hành chính chưa được công bố hoặc công bố chưa đầy đủ, chính xác nội dung quy định về thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật thì phản ánh với cơ quan có thẩm quyền tại Điều 13 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung hoặc Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ để xử lý.
Như vậy, những quy định nghiệp vụ cụ thể về công bố thủ tục hành chính tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này thống nhất, hiệu quả, trong đó đơn giản hóa nội dung, quy trình, cắt giảm thời gian, chi phí không cần thiết trong thực hiện nhằm nâng cao chất lượng công bố thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu về tiếp cận thông tin thủ tục hành chính phục vụ cho tra cứu, tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính./.
Tác giả: Thúy Lựu (VPUB)
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn