Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những số liệu thống kê gần đây giúp gợi ý những hướng khả thi cho việc giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ông Nhân phân tích, năm 2016, xuất khẩu dầu thô cả nước đạt 2,4 tỷ đô la. Xuất khẩu gạo đạt 2,15 tỷ đô la. Xuất khẩu cà phê đạt 3,3 tỷ đô la. Xuất khẩu thủy sản 7 tỷ đô la. Xuất khẩu quả, rau, hoa đạt 2,45 tỷ đô la. Như vậy lần đầu tiên năm 2016 xuất khẩu quả, rau và hoa đã lớn hơn xuất khẩu dầu.
Làm phép so sánh với năm 2005, xuất khẩu dầu là 7,3 tỷ đô, gấp 31 lần xuất khẩu rau quả, ông Nhân nhấn mạnh, các con số hiện đã đổi chiều.
Tương tự, đặt trong nhiều tương quan khác, mặt hàng dầu thô giảm giá trị 5 tỷ “đô” qua 5 năm, gạo giảm khoảng 900 triệu “đô”, cà phê qua 5 năm không tăng giá trị xuất khẩu, thuỷ sản có tăng nhưng chỉ ở mức bình quân 5%/năm. Trong khi đó, xuất khẩu rau của quả tăng bình quân 30%/năm.
Như vậy dự báo đến năm 2022 giá trị xuất khẩu của quả, rau, hoa từ 9 đến 10 tỷ đô la tức là hơn giá trị xuất khẩu dầu lửa lúc cao nhất của đất nước. Bí thư Thành uỷ TPHCM đề nghị chú trọng đầu tư vào thế mạnh này tại các địa phương, nhất là địa phương vùng cao, vùng núi, vùng lõi nghèo như một sản phẩm chủ lực để cải thiện tình hình.
Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, có 10 sản phẩm trong trục sản phẩm quốc gia hiện tại có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ đô la trở lên mà có nhiều dư địa để thúc đẩy hơn nữa, chuyển đổi cơ cấu cho phù hợp với tình hình như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng phân tích, ĐBSCL trước đây vốn tập trung sản xuất lúa gạo, thuỷ sản, trái cây thì nay chuyển sang thành thuỷ sản, trái cây rồi mới tới lúa gạo.
“Sự chuyển hướng để tạo lợi thế cạnh tranh có cơ sở khi tốc độ tăng nhu cầu thuỷ sản của thế giới là 5-7%/năm. Riêng con tôm, thế giới 7 tỷ người, nếu mỗi người chỉ ăn 1kg tôm/năm thì nguồn sản phẩm cần có để cung ứng đã là 7 triệu tấn trong khi tổng nguồn hiện nay mới chỉ có 5 triệu tấn. Tương tự, vùng Ninh Thuận khô hạn nhưng có nơi nào táo, nho ngon bằng nơi đây? Như vậy, nếu biết cách lựa chọn đúng đối tượng sản xuất thì chắc chắn Việt Nam vẫn thành công trong tái cơ cấu sản xuất” – Bộ trưởng Cường quả quyết.
Tư lệnh ngành nông nghiệp phân tích thêm từ trục sản phẩm chủ lực của các địa phương. Theo ông, tỉnh nào trong cả nước hiện cũng đều có những sản phẩm mang tính chất quy mô đặc sản, từ xoài Cao Lãnh, rau hoa Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong của Hòa Bình. Điển hình tỉnh Bắc Giang có 3 sản phẩm chính, chủ lực của tỉnh: Vải thiều 20.000 ha có giá trị sản lượng 50.000 tỷ, riêng gà đồi Yên Thế 15 triệu con có giá trị sản lượng 1.400 tỷ, na của Lục Nam hơn 3.000 ha có giá trị gần 1.000 tỷ.
Theo Bộ trưởng, chỉ riêng một tỉnh lựa chọn đúng đối tượng ngành hàng, đúng tính chất quy mô của tỉnh thì cũng đã mang lại giá trị 6.000 - 7.000 tỷ, gần 500 triệu USD.
Dẫn chứng khác, Quảng Ninh đã xây dựng được 85 sản phẩm đạt cấp độ 5 sao để xuất khẩu được như trà hoa vàng, chả cá mực…
Chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng này nhận được sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của các lãnh đạo cao nhất của nhà nước. Các doanh nghiệp cũng vào cuộc tích cực, quyết liệt. Dù chỉ mới có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhưng tất cả các ngành hàng lớn đều có doanh nghiệp lớn góp mặt. Người nông dân hiện cũng đã rất sáng tạo, không có nơi nào cho na, vải thiều ra trái trên thân cây được như Lạng Sơn, Bắc Giang, sáng tạo thủy phi cơ ở Phú Xuyên, làm được máy bừa tầng bùn dày 50 cm vẫn bừa được…
Bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng, áp dụng công nghệ cao, lựa chọn đối tượng phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu, có tín hiệu thị trường tốt thì kịp thời tổ chức ngành hàng, chắc chắn tái cơ cấu nông nghiệp sẽ đi đúng hướng và thành công.
Tác giả: P. Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn