Thảo luận về kết quả giám sát việc cải cách bộ máy hành chính tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhắc tới kết luận đánh giá quan trọng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong báo cáo giám sát, đó là bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng, nấc trung gian, tình trạng bộ trong bộ càng nặng nề thêm.
Xuất phát từ đánh giá này, dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội ghi rõ yêu cầu “giảm cấp trung gian”. Tuy nhiên, theo ông Cầu, với câu hỏi cấp trung gian là cấp nào, tình trạng Bộ trong Bộ xảy ra ở đâu, thì báo cáo không chỉ rõ.
Ông phân tích với cấp Tổng cục của các Bộ để xem có đúng là có tổ chức “Bộ trong Bộ không”. Cụ thể, trong 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ thì có 17 Bộ có Tổng cục, còn lại 5 Bộ không có. Ông Cầu cho rằng, 5 Bộ không có Tổng cục mà vẫn hoạt động bình thường thời gian vừa qua là Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc.
Trong khi đó, số lượng Tổng cục hiện nay của 17 Bộ là 40, dưới Tổng cục có các cục, vụ, văn phòng, phòng, chi cục. Trong bộ máy của các Bộ này vừa có văn phòng bộ vừa có văn phòng tổng cục mà văn phòng thì rõ ràng là cơ quan phục vụ đơn thuần.
“Sắp tới một số Bộ, ngành có cấp Tổng cục đang nhìn nhau, nếu xảy ra tình trạng quyết không đi đầu thì biết bao giờ chúng ta mới giảm được cấp trung gian?” – ông Cầu cảnh báo.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng phân tích thực tế hiện nay, vấn đề nhức nhối được cử tri và xã hội đặc biệt quan ngại là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, vi phạm quy luật, bằng cấp giả, chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm thần tốc, tình trạng trên bảo dưới không nghe, coi thường kỷ luật, kỷ cương hành chính...
Nền đạo đức công vụ, kỷ luật công vụ trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều tồn tại, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ vẫn là gì đó mơ hồ, chưa được quy định cụ thể, kỷ luật, kỷ cương áp dụng cho đối tượng vi phạm còn rất chậm chạp và khó khăn.
Theo đại biểu, bên cạnh việc xây dựng bộ tiêu chuẩn đạo đức công vụ, các cơ quan nhà nước cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người mất đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan và tổ chức.
Công chức dễ quên người đóng thuế để trả lương cho mình
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cũng tập trung phân tích những hạn chế nổi bật của các công chức trong bộ máy nhà nước. Trước hết, các công chức chưa ý thức được mình là công bộc của dân. Dẫn chứng về tình trạng yếu kém đạo đức công vụ đã được đề cập nhiều. Nguyên nhân của tình trạng không ít công chức có thái độ vô cảm, quan liêu, thậm chí hách dịch với dân, theo bà Thuý, là do họ ít phụ thuộc vào dân.
“Từ việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt đến nâng lương, đánh giá, khen thưởng, công chức chỉ phụ thuộc vào cấp trên của mình. Công chức chỉ tiếp xúc với người dân trong vai người đến xin việc này việc kia cho nên dễ quên rằng chính những người đang có việc nhờ cậy họ giải quyết mới là những người đóng thuế để trả lương cho mình” – bà Thuý nói.
Không chỉ về ý thức, công chức hiện tại cũng không thạo việc, dù phần lớn đều có đủ bằng cấp, chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm nhưng thực chất trình độ của nhiều người không tương xứng với bằng cấp chứng chỉ họ có.
Vì không làm được việc nên tình trạng thường thấy là việc cấp trên làm thay việc cấp dưới, quan chức chính trị làm thay việc công chức hành chính. Nghịch lý là sa đà vào công việc hành chính khiến nhiều quan chức chính trị không còn thời gian để nghiên cứu quyết định các vấn đề có tầm bao quát có ảnh hưởng lâu dài, nghịch lý người ký trình quan trọng hơn người ký duyệt, dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền.
Đại biểu đề nghị xây dựng cơ chế để về lâu dài quan chức chính trị cần được dân trực tiếp bầu, hoặc ít nhất cũng phải được giới thiệu từ người dân ở cơ sở còn công chức hành chính phải được lựa chọn qua thi tuyển công khai.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn