- Là người làm công tác sử học, cá nhân ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm của nhiều nguyên thủ các quốc gia lớn, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam, dự Hội nghị APEC?
- Trước hết Hội nghị cấp cao APEC là một sự kiện rất lớn mà Việt Nam đã chuẩn bị từ rất lâu.
Nhưng đúng kết hợp với tham dự Hội nghị, nhiều nguyên thủ các nước lớn như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện chuyến thăm tới Việt Nam và đây là các chuyến thăm rất quan trọng.
Ở đây, với chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump khác với chuyến thăm trước đây của cựu Tổng thống Obama ở chỗ ông Obama sang thăm chúng ta khi ở cuối nhiệm kỳ còn ông Trump thực hiện chuyến thăm ở ngay đầu nhiệm kỳ.
Còn với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình không phải là lần đầu sang thăm Việt Nam nhưng đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông sau Đại hội Đảng 19, mở ra một nhiệm kỳ mới.
Điều này thể hiện vị thế của chúng ta trên trường quốc tế đã có những dấu ấn nhất định, đồng thời, sẽ tạo ra nhiều cơ hội tích cực, tốt đẹp cho chúng ta trong việc thể hiện tinh thần, nét văn hóa thân thiện cũng như khai thác lợi ích cho quốc gia trong mối quan hệ với các nước lớn.
- Từng chứng kiến các chuyến thăm trước đây của Tổng thống Mỹ như ông Bill Clinton, ông Bush, ông Obama hay các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc như ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình, ông nhận xét thế nào về sự khác nhau giữa các chuyến thăm trước đây và chuyến thăm lần này của Tổng thống Donald Trump hay Chủ tịch Tập Cận Bình?
- Có thể thấy hai vị Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều dành thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó, như ông Tập Cận Bình là khởi đầu nhiệm kỳ mới của mình để thăm Việt Nam.
Điều này chắc chắn sẽ mở ra sự bền vững, lâu dài trong quan hệ giữa các nước với Việt Nam.
Thêm vào đó, trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách về kinh tế, quốc phòng, an ninh như vậy thì sự có mặt của các nguyên thủ những nước lớn trên thế giới là điều kiện cần thiết, tạo tiền đề tích cực để chúng ta có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình với các quốc gia.
Còn tôi nghĩ mọi giả thiết trong việc đón tiếp nguyên thủ các nước đều có thể được đặt ra nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải giữ được độc lập, tự chủ của mình trong quan hệ với các nước lớn, đồng thời, khẳng định, quyền lợi quốc gia dân tộc.
Việc lệ thuộc bất kỳ ai cũng sẽ đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và sẽ vào thế khó phát triển.
- Ông nói Việt Nam cần tận dụng thời cơ trong các chuyến thăm này để bày tỏ quan điểm. Vậy theo ông, chúng ta nên thể hiện thế nào?
- Trước hết chúng ta cần thể hiện thiện chí, sự thân thiện, đồng thời thể hiện năng lực tổ chức các sự kiện lớn. Có thể nói, đây là thời điểm tốt nhất để quảng bá đất nước.
Bởi vì bên cạnh các nguyên thủ còn có cả một hệ thống truyền thông, báo chí, doanh nghiệp đi theo.
Còn vấn đề Biển Đông thì đây lợi ích quốc gia hết sức quan trọng và mọi cơ hội đều phải thể hiện quan điểm nhưng cần thể hiện thế nào trong bối cảnh cụ thể, sự kiện có nhiều quốc gia lớn, đối tác tham gia thì đó là tài ngoại giao của chúng ta.
- Ông kỳ vọng nhất điều gì với chuyến thăm của nhiều nguyên thủ các nước lớn tới Việt Nam dịp này?
- Tôi nghĩ, qua các chuyến thăm này, sẽ giúp các nguyên thủ hiểu được Việt Nam là một nước rất thiện chí, thân thiện, có trách nhiệm với các vấn đề chung của thế giới nhưng cũng cương quyết bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, dân tộc mình.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả: P.Thảo (ghi)
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn