Chọn người trong sạch
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc: "Công tác nhân sự vẫn “để lọt” cán bộ có vi phạm vào bộ máy, kể cả ở cấp trung ương lẫn địa phương".
Từ góc độ nhìn nhận, đánh giá lại quá trình chuẩn bị nhân sự, nhất là cán bộ cấp chiến lược cho Đại hội XII của Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc nhận xét, khóa XI làm rất kỹ, họp đi họp lại. Trung ương nhiều lần khẳng định quan điểm: “Không để lọt vào trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham nhũng, lợi ích nhóm, vun vén cho gia đình…”.
Nhưng sau Đại hội XII, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, công tác nhân sự vẫn “để lọt” cán bộ có vi phạm vào bộ máy, kể cả ở cấp trung ương lẫn địa phương.
Ông Phúc bày tỏ kỳ vọng, hội nghị Trung ương 7 này, Đảng thẳng thắn, phân tích, rút kinh nghiệm gì từ những trường hợp nhân sự “để lọt” đó để rút ra các bài học kinh nghiệm, khắc phục triệt để, không để cán bộ xấu có cơ hội leo cao, chui sâu vào bộ máy, nhất là cán bộ thuộc diện cấp chiến lược.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng nhận xét, thời gian qua, vẫn còn một số cán bộ chưa thể hiện bản lĩnh chính trị thật sự vững vàng. Một số cán bộ có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thoái hóa biến chất, thiếu gương mẫu, có biểu hiện tham nhũng, lãng phí tiêu cực, sa vào lợi ích nhóm. Một số cán bộ có biểu hiện thiếu gương mẫu trong việc đề bạt, bổ nhiệm con cháu, người nhà, người thân vào các vị trí lãnh đạo, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
“Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều vụ việc bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”, cả nhà làm quan, cả sở làm lãnh đạo xảy ra ở Quảng Nam, Hải Dương, Thanh Hóa. Nhiều cán bộ cấp cao bị phát hiện sai phạm trong nhiều vụ án nghiêm trọng…. Do đó, khi xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thì tiêu chí quan trọng nhất là lựa chọn những người trong sạch, không tham nhũng, không lợi ích nhóm, không có biểu hiện vun vén cho người thân, gia đình” - ông Phúc góp ý.
Ông Nguyễn Trọng Phúc cũng chia sẻ nhận xét, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã được đẩy mạnh, tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân. Do đó, một trong những tiêu chí quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là phải biết giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, tiêu cực, tha hóa, chống suy thoái.
Thực tế cho thấy, ở mọi ngành, mọi cấp, nếu người đứng đầu gương mẫu, trung thực, quyết liệt đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực thì ở đó tham nhũng sẽ giảm.
Hình thành văn hoá cán bộ nói không với chạy chức, chạy quyền
Nói về những tiêu chuẩn với cán bộ, ông Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ 4 (Vụ theo dõi các cơ quan Trung ương), Ban Tổ chức Trung ương cho biết, hướng đến Đại hội XIII của Đảng tới đây, đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” được Ban Tổ chức xây dựng trình Hội nghị Trung ương 7 xem xét, có trọng tâm hướng tới đội ngũ cán bộ các cấp, tiến hành làm công tác quy hoạch để làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch Ban chấp hành Trung ương.
Nếu được Trung ương thông qua, đây sẽ là 1 nghị quyết đồng bộ từ khâu nâng cao nhận thức giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược; kiểm soát quyền lực; cơ chế cử nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; nhiệm vụ về công tác tổ chức đội ngũ cán bộ tham mưu, chuẩn bị cho công tác nhân sự đại hội nói chung, trong đó có Đại hội XIII.
Ban Tổ chức Trung ương cũng tổ chức các lớp dự nguồn cao cấp để chuẩn bị lựa chọn, khảo sát nhân sự ở các cấp để chọn những cán bộ ưu tú nhất tham gia vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, trong đó nhấn mạnh: “Không để những người không xứng đáng, chạy chức chạy quyền, vào Ban chấp hành Trung ương”.
Ông Phạm Quang Hưng cũng phân tích, vừa qua, Trung ương xử lý nhiều tập thể và cá nhân vi phạm, trong đó có nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược có những sai phạm, khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật. Nhưng đây không phải là câu chuyện xuất hiện khuyết điểm, yếu kém ngay trong thời điểm này mà là kéo dài của những nhiệm kỳ trước đây.
“Lần này, đề án được xây dựng với sự quyết tâm của Bộ Chính trị, của Trung ương, như nhiều lần Tổng bí thư tuyên bố “Không có vùng cấm” trong việc xử lý cán bộ. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều quy định rất chặt chẽ, rà soát lại những cán bộ, tập thể, cá nhân có những sai phạm, những khuyết điểm trong việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Những trường hợp có sai thì thu hồi các quyết định để làm trong sạch, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với công tác tổ chức, xây dựng Đảng” – ông Hưng nói.
Một giải pháp cũng được xây dựng là quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ, hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để chủ trương “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” là việc bình thường trong công tác cán bộ.
Ông Hưng phân tích, “chạy chức, chạy quyền” cũng được coi là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ để nhận diện rõ ràng, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với cá đối tượng và những biểu hiện, hành vi “chạy”. Mục đích là nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và hình thành văn hóa nói không với chạy chức, chạy quyền…
Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đề ra việc ban hành cả yêu cầu đối với từng nhóm cán bộ cụ thể.
Đối với cán bộ nói chung, phải có tinh thần yêu nước, tận tuỵ phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phải có kiến thức, hiểu biết về lý luận chính trị, phải nắm vững đường lối, quan điểm của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Phải có ý thức tổ chức kỷ luật và trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp thì yêu cầu cao hơn: quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của đảng, biế cụ thể hoá đường lối của đảng thành chính sách, pháp luật của nhà nước. Phải thích ứng với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phải có kiến thức, năng lực quản lý về thích ứng với điều kiện pt mới của đất nước, có quan điểm và tư duy độc lập, bảo vệ được quan điểm đường lối của đảng, phải hoá giải và giải quyết được những vấn đề mâu thuẫn phát sinh.
Đối với lực lượng cán bộ vũ trang, khoa học, lãnh đạo quản lý doanh nghiệp cũng có yêu cầu cụ thể.
Cán bộ cấp chiến lược thì ngoài các yêu cầu của cán bộ lãnh đạo quản lý thì phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lý tưởng, đạo đức nhân sinh quan cách mạng, có ý chí và nghị lực, có khát vọng đưa đất nước phát triển, sẵn sàng hi sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc có nhân dân, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt nhanh xu thế của thời đại, có khả năng hoạch định chính sách, có trình độ năng lực để bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, có khả năng dùng người, biết xây dựng và bảo vệ uy tín của đảng cũng như hình ảnh của cá nhân, không để các mối quan hệ cá nhân, lợi ích nhóm chi phối trong quá trình công tác.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn