Cụ thể, Đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” do Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị đề xuất nhiều đột phá trong công tác cán bộ. Theo đó, việc đánh giá cán bộ sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ; ưu tiên người trẻ có tài vào vị trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp; mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; chống chạy chức chạy quyền; bí thư cấp tỉnh, huyện không là người địa phương...
Đề án “cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” hướng đến là làm sao để “tiền lương phải là thu nhập chính” bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình. Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động;
Thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Đề án cũng đưa ra thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: Mức lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và Tiền thưởng (bằng khoảng 10% tổng quỹ lương).
Bên cạnh đó sẽ ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.
Đề án cũng đưa ra giải pháp là hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương. Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ NSNN.
Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội có nhiều điểm mới như xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, làm sao để người cao tuổi cũng có lương hưu, cũng như tăng tuổi nghỉ hưu.
Quan điểm đưa ra trong đề án, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với Việt Nam là tất yếu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cần có tầm nhìn dài hạn và phải có lộ trình, tránh gây sốc và xáo trộn thị trường lao động.
Việc tăng tuổi hưu cần phải theo lộ trình có cân nhắc tới sự thay đổi về cơ cấu tuổi trong lực lượng lao động (tức là phải tính toán cụ thể trước khi bắt đầu diễn ra tình trạng giảm lực lượng lao động trong độ tuổi).
Theo dự báo dân số của Tổng cục thống kê thì dân số trong độ tuổi lao động (định nghĩa là 15-64) bắt đầu giảm sâu từ năm 2030 nên cần chọn thời điểm tăng dần tuổi hưu sớm để đảm bảo sự cân đối lực lượng lao động.
Song song với việc tăng tuổi hưu, các quy định khác liên quan tới đóng-hưởng, xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng, liên thông… cần phải được thực hiện. Điều chỉnh tăng tuổi hưu chỉ là một giải pháp trong tổng thể hệ thống cải cách chính sách BHXH.
Ngoài ra, tại Hội nghị lần thứ 7 này, Trung ương cũng sẽ xem xét các báo cáo về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017, công tác cán bộ...
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn