Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng trao đổi các vấn đề xung quanh đề cán “Cải cách tiền lương” đang trình xin ý kiến tại hội nghị Trung ương 7.
- Những bất cập trong chính sách tiền lương đã bộc lộ nhiều, được “mổ xẻ” nhiều thời gian qua. Là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về việc này, ông thấy vấn đề nào cần tháo gỡ trước hết?
- Chúng ta đã thực hiện cải cách tiền lương 4 lần từ năm 1960, 1985, 1993, 2003 nhưng đúng là đến nay chính sách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập. Mức lương cơ sở để dùng tính bảng lương theo ngạch bậc, chức vụ thấp, cụ thể là hơn 1,3 triệu. Đối với một người tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm với hệ số 2,34 thì mỗi tháng lương chỉ hơn 3 triệu đồng. Mức lương này thấp so với nhu cầu cuộc sống.
Các tính tiền lương quy theo hệ số nhân với lương cơ sở thì dẫn đến việc cán bộ công chức chỉ nhớ hệ số mà không biết được giá trị thực của tiền lương. Rồi hệ thống có quá nhiều loại phụ cấp, dẫn tới việc tiền phụ cấp nhiều hơn lương cơ bản. Người hưởng lương họ chỉ nhớ đến lương cơ bản, quá nhiều phụ cấp gây mâu thuẫn giữa các ngành nghề, so sánh giữa ngành nọ với ngành kia.
Đây là bất cập tạo sự rối rắm, phức tạp trong hệ thống tiền lương.
Việc thiết kế tiền lương theo ngạch cộng phụ cấp chức danh lãnh đạo dẫn đến việc có thể dẫn đến trường hợp người lãnh đạo cao nhưng mức lương thấp hơn lãnh đạo thấp, chưa thể hiện được thứ bậc. Đặc biệt trong cơ chế tạo nguồn giữa các đơn vị sự nghiệp theo hướng thu phí, giá dịch vụ trong đó có tiền lương còn rất chậm.
- Ông vừa nhắc đến chuyện cấp bậc cao lương thấp hơn cấp bậc thấp. Đúng là khó lý giải khi thực tế, có trường hợp lương Thứ trưởng thấp hơn Vụ trưởng?
- Chuyện này xảy ra ngay cơ quan Đảng. Cán bộ công tác trong các cơ quan của Đảng được hưởng phụ cấp 30% đảng, đoàn thể nhưng chỉ người có chức vụ từ Vụ trưởng trở xuống mới được hưởng, còn Phó Trưởng ban đảng (tương đương Thứ trưởng) trở lên không được hưởng. Điều đó dẫn đến trường hợp từ Vụ trưởng lên Phó Trưởng ban lương lại hụt đi và như vậy lương của cán bộ tương đương Thứ trưởng thấp hơn Vụ trưởng.
Những quy định phức tạp như vậy tạo ra sự méo mó, bất cập trong chính sách tiền lương.
- Những bất cập này được giải quyết thế nào trong đề án cải cách tiền lương đang được trình Trung ương Đảng xem xét trong chương trình nghị sự của Hội nghị Trung ương 7?
- Đề án trình Trung ương có đề xuất hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để phù hợp với luật cán bộ công chức và viên chức.
Theo thiết kế hệ thống tiền lương hiện hành, những người giữ chức vụ lãnh đạo kể cả bầu cử và bổ nhiệm đều xếp lương theo công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Ví dụ, tôi là Vụ trưởng thì tôi đang hưởng lương ngạch chuyên viên cao cấp. Ngoài ra, tôi được hưởng thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,0. Ai cũng hiểu lương của mình là bao nhiêu phẩy nhưng không ai nói tiền lương của mình là bao nhiêu.
Cải cách hệ thống này, chúng tôi thiết kế một bảng lương theo chức vụ lãnh đạo. Ví dụ chức vụ Vụ trưởng thì được hướng mức lương 17 triệu đồng/tháng, nghĩa là cứ ai được bổ nhiệm chức vụ này thì được hưởng mức lương đó và không phải thi nâng ngạch.
Một bảng lương khác được thiết kế với chuyên môn nghiệp vụ chung đối với các ngành nghề áp dụng cho những người không giữ chức vụ lãnh đạo. Bảng lương này cũng được thiết kế đảm bảo tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo và thậm chí có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn nghiệp vụ có thể phát triển nhưng không nhất thiết phải đi theo con đường lãnh đạo vẫn có thể tăng lương.
- Có thể hiểu như vậy nghĩa là quy định mức lương cơ sở hiện nay sẽ được xóa bỏ?
- Chúng tôi không quy định lương theo hệ số, ngạch bậc nữa mà thay bằng mức tiền tuyệt đối. Cách này sẽ thay cho cách tính lương bằng hệ số nhân với lương cơ sở. Đề án trình Trung ương có nội dung bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số tiền lương và xây dựng hệ thống bảng lương mới trên cơ sở quy định bằng mức tiền tuyệt đối.
- Được biết, đề án cũng đưa ra phương án bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước?
- Do mức lương hiện tại thấp, ngoài tiền lương ra, trong các quy định của nhà nước cho phép công chức được hưởng thêm một số chế độ ngoài lương. Ví dụ như cán bộ công chức khi xây dựng văn bản pháp luật thì được chi bồi dưỡng, tiền hội họp… Những nhiệm vụ này thực chất là nhiệm vụ của công chức nhưng lại vừa có tiền lương, vừa có nguồn thu từ việc này dẫn đến việc lẫn lộn các khoảng chi thực chất cũng là từ ngân sách nhà nước.
Vì vậy chúng tôi đề xuất tăng mức lương đối với cán bộ công chức do nhà nước quy định, giảm các khoản thu mang tính không chính thống, không thường xuyên để cơ quan đơn vị tập trung vào làm nhiệm vụ. Như vậy có nghĩa là tới đây, cán bộ công chức đi họp không còn chuyện ký nhận phong bì hay các loại tiền bồi dưỡng này khác như lâu nay sẽ cắt bỏ hết. Không phải cắt bỏ tiền mà là chuyển những khoản này vào lương chính.
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi gợi ý thảo luận về đề án này có đề cập hiện tượng địa phương dư quỹ mà không chi tăng lương được. Thực tế, ngay tại Hà Nội vừa qua, quận Long Biên báo cáo tiết kiệm chi thường xuyên được 1.000 tỷ muốn quay đầu trở lại để tăng lương cho cán bộ công chức nhưng không được vì vướng cơ chế. Vậy đề án có hướng mở nút thắt này để tăng lương cho cán bộ công chức?
- Vừa qua, Quốc hội đã cho phép TPHCM được phép tự chủ một phần chi tiền lương. Từ kinh nghiệm của TPHCM, trong đề án lần này, chúng tôi có đề xuất cho phép các tỉnh thành TƯ ở các vùng động lực nếu tự bảo đảm cân đối ngân sách, tự bảo đảm nguồn cải cách tiền lương cho phép họ chi cao hơn để khuyến khích cán bộ công chức nâng cao hiệu quả làm việc.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn