Chiều 29/6, tại Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn. Tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo một số Bộ, ngành và tỉnh Bắc Ninh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển khá cả về năng suất, chất lượng sản phẩm; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã được áp dụng vào sản xuất; phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi gia trại và trang trại tập trung công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hoá.
Năm 2016, tổng đàn trâu bò là 37.000 con, đàn lợn 420.000 con, đàn gia cầm 4,7 triệu con. Tổng sản lượng lượng thị hơi xuất chuồng 93.000 tấn. Giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 3.409 tỷ đồng.
So sánh trong toàn ngành sản xuất nông nghiệp, thì lĩnh vực chăn nuôi chiếm 42%.
Về quy mô sản xuất, đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 trang trại và 13 doanh nghiệp chăn nuôi. Tỷ trọng giá trị do chăn nuôi trang trại sản xuất chiếm 38,8% tổng giá trị sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh, tăng 14% so với giai đoạn 2006 - 2010.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 42 trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trong đó có 6 doanh nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, Bắc Ninh có chủ trương xây dựng nhà máy giết mổ lợn quy mô lớn, với công nghệ hiện đại, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, những khó khăn của ngành chăn nuôi thời gian vừa qua có nguyên nhân chính là do nguồn cung vượt cầu, nhưng cụ thể hơn là do chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa tiếp cận được với các thị trường khó tính; cùng với đó chi phí cho chăn nuôi còn rất cao, đặc biệt là chi phí cho thức ăn. Việc đảm bảo VSATTP, hạn chế trong công tác bảo quản, chế biến… cũng ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.
Trước những hạn chế này, không còn cách nào khác là phải giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi.
“Phải rà soát lại các quy hoạch liên quan đến chăn nuôi, trong đó bao gồm mạng lưới các cơ sở chế biến thức ăn, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến sâu sản phẩm ; gắn quy hoạch với nhu cầu của thị trường, với năng lực sản xuất, với khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chấm dứt tình trạng đầu tư sản xuất tự phát, theo phong trào”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, muốn phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô hàng hoá, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, chăn nuôi, chế biến. Người nông dân sẽ tham gia góp vốn, công sức và hưởng lợi ích từ phần đóng góp của mình.
Cùng với đó, phải nhanh chóng đầu tư các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung, hiện đại ; mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi Việt Nam ; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi, đặc biệt là công đoạn giết mổ, chế biến sâu sản phẩm.
Tác giả: P.T
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn