TPHCM: Mỗi ngày phải thu gần 1.000 tỷ đồng để hoàn thành chỉ tiêu ngân sách

Thứ tư - 07/12/2016 21:32
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, với dự toán ngân sách năm 2017 được giao là gần 348.000 tỷ đồng, mỗi ngày thành phố phải thu gần 1.000 tỷ đồng. Theo ông, đây là con số lớn và cần có sự nỗ lực của cả thành phố, cũng như sự chung sức của cử tri.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết như trên tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX, diễn ra ngày 7/12.

Theo ông Khuê, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cũng như đạt được tốc độ tăng trưởng đề ra, thành phố phải quyết liệt hơn trong việc thu hồi mặt bằng, kho bãi của các cơ quan trung ương cũng như địa phương khác trên địa bàn thành phố. Thu hồi để bổ sung quỹ đất, tạo nguồn thu phục vụ việc phát triển chứ không chỉ thu hồi đất của dân.

“Việc thu hồi đất trên địa bàn không còn là điểm nóng như lâu nay vẫn gọi mà đang trở thành điểm “sôi” như ở Khu đô thị Thủ Thiêm, chung cư Cô Giang hay ở Thủ Đức, quận 9… Chính quyền đi đến mục tiêu an sinh xã hội, mang lại sự tốt đẹp cho người dân, song một bộ phận cán bộ ở cơ sở chưa nắm được. Thậm chí nhiều cán bộ vô cảm, thiếu trách nhiệm gây bức xúc cho bà con cử tri”, ông Khuê nói.

Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê
Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê

Cũng theo ông Khuê, các báo cáo cần chỉ thẳng, nêu tên cụ thể những khó khăn, hạn chế để tìm giải pháp căn cơ, tổng thể không lặp đi lặp lại như các báo cáo trước. Mặt khác, cần xem xét kỹ giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng các đại biểu rất muốn nghe thêm các giải pháp để thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra. “Chúng ta có thể tập trung vào những lĩnh vực nào? Nếu giải quyết được ùn tắc giao thông thì có thể tăng lên bao nhiêu phần trăm GRDP? Nếu tăng xuất nhập khẩu, thuế thì tăng được bao nhiêu? Nếu dự báo được như vậy thì sẽ tham mưu được cho UBND những giải pháp quyết liệt”, ông Quang nói.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Quốc Bảo cho rằng, đề đạt chỉ tiêu GRDP tăng từ 8,4-8,7% năm 2017 thì khối dịch vụ phải tăng tối thiểu 10%. Thu ngân sách năm 2016 cho thấy, khả năng thu lớn nhất cho ngân sách thành phố là phần thu nội địa, dầu thô và thuế xuất nhập khẩu. Như vậy, năm 2017 thành phố cần tập trung vào các nhóm này để đẩy mạnh thu ngân sách.

“Riêng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản và bán lẻ, trong khi đầu tư vào công nghiệp chế tạo còn thấp. Điều này cho thấy định hướng đầu tư chưa phù hợp, bởi khi thị trường bất động sản có biến động thì sẽ ảnh hưởng chung đến nền kinh tế thành phố”, ông Bảo nói.

Cũng quan tâm đến vấn đề thu chi ngân sách, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy đề nghị thành phố phải giảm chi và tăng nguồn thu hơn nữa. Bà dẫn chứng việc trợ giá cho xe buýt mất ngân sách lớn nhưng không đem lại nguồn thu, không tạo được động lực cho các đơn vị kinh doanh. Sở GTVT TP nên có cách tính trợ giá trên kết quả đầu ra, tức là hỗ trợ cho người đi xe buýt.

“Về lâu dài, thành phố phải tập trung vào nguồn thu bền vững là các doanh nghiệp. Thành phố phải có các giải pháp tập trung cho khởi nghiệp, phát triển các doanh nghiệp của thành phố, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước”, bà Thúy đề nghị.

Mỗi năm TPHCM tốn cả ngàn tỷ đồng để trợ giá xe buýt
Mỗi năm TPHCM tốn cả ngàn tỷ đồng để trợ giá xe buýt

Tại buổi thảo luận, Giám đốc Sở Tài chính TP Phan Thị Thắng cho rằng các đại biểu băn khoăn về nhiệm vụ thu ngân sách là đúng, vì từ năm sau tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giảm từ 23% xuống 18%.

Theo bà Thắng, TPHCM đóng góp gần 1/3 (27%) ngân sách cả nước, nhưng chi thì chỉ gần 5% tổng chi ngân sách. Năm 2016 dù được giao dự toán thu ngân sách rất cao nhưng đến nay, thành phố chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ với hơn 303.000 tỷ đồng, đạt 101,85% dự toán (298.300 tỷ đồng).

Trong năm tới, TPHCM được giao thu ngân sách gần 348.000 tỷ đồng, tăng hơn 49.000 tỷ đồng so với năm 2016. Bà Thắng cho biết Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND TP nhiều giải pháp để tăng thu ngân sách. Trong đó, thành phố sẽ thu một số phí, lệ phí mà trước đây chưa quyết mức thu như phí xử lý chất thải.

Bên cạnh đó, TP sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, cố gắng giải ngân các khoản vay ưu đãi, khai thác từ nguồn thu quảng cáo trên toàn bộ hơn 2.000 xe buýt, trên các tuyến đường, đồng thời rà soát quỹ nhà đất bán đấu giá để tạo nguồn thu, làm nguồn quỹ đất cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao).

Bà Thắng cũng cho biết thêm, TPHCM sẽ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 100%. Theo quy định khoản này sẽ phải nộp về Trung ương nhưng mới đây Thủ tướng đã đồng ý cho TPHCM làm đề án xem xét giữ nguồn vốn này và UBND TP đã gửi đề án cho Chính phủ.

 

TPHCM bầu bổ sung Ủy viên UBND

Chiều 7/12, kỳ họp thứ 3 của HĐND TPHCM khóa IX đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND TPHCM đối với ông Phan Nguyễn Như Khuê đã nhận công tác tại Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, giữ chức Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và bà Văn Thị Bạch Tuyết đã nhận công tác tại Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, giữ chức Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. HĐND TPHCM cũng đã bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND TPHCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Hữu Việt - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM và ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM.

Quốc Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây