Trắng đêm cùng Việt Nam mừng chiến thắng
Tới Đại sứ quán Cu-ba tại Việt Nam làm visa để tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Việt Nam sang Cu-ba dự lễ tang chính thức Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô, tôi gặp một bậc cao niên, trên tay mang một tập Báo Quân đội nhân dân với hình ảnh Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô được đăng nổi bật. Đó là đồng chí Nguyễn Duy Cương, Phó chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Cu-ba, người đã từng học tập và làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam nhiều năm ở Cu-ba.
Đồng chí Nguyễn Duy Cương kể, nhận được thông tin Việt Nam giành chiến thắng ngày 30-4-1975, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô lập tức tới Đại sứ quán Việt Nam chúc mừng. Chủ tịch Phi-đen vui mừng đến mức ra lệnh khui ngay chai rượu quý mà Cu-ba cất giữ tới 70 năm để mừng chiến thắng của Việt Nam, bởi Người cho rằng, đó không chỉ là chiến thắng của Việt Nam, mà còn là chiến thắng của Cu-ba và toàn thế giới.
Trên hành trình bay vượt nửa vòng Trái Đất, tôi lại được nghe nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Ngạnh, người từng công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Cu-ba giai đoạn 1974-1977, kể chuyện Chủ tịch Phi-đen và nhân dân Cu-ba thức trắng đêm tới Đại sứ quán Việt Nam chúc mừng chiến thắng vang dội 30-4-1975. Ngày ấy, tin chiến thắng của Việt Nam khiến cả đất nước Cu-ba hân hoan. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô cùng hầu hết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cu-ba tới Đại sứ quán Việt Nam để chúc mừng. Nhân dân Cu-ba cũng xếp hàng thâu đêm suốt sáng để vào Đại sứ quán chúc mừng nhân dân Việt Nam.
Ngay sau đó, do có lịch từ trước, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Cu-ba phải lên đường sang Mê-hi-cô đàm phán việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Bởi thế, sau khi phái đoàn đi Mê-hi-cô trở về, Đại sứ quán Việt Nam mới có dịp mở tiệc mừng chiến thắng thống nhất đất nước. Ngày ấy, nước ta rất nghèo, sứ quán không có nhiều tiền để tổ chức tiệc lớn như vậy. Chủ tịch Phi-đen rất tinh tế, hiểu điều đó nên đề nghị cung cấp cho Đại sứ quán Việt Nam những thức ăn ngon nhất, loại rượu rum ngon nhất của Cu-ba để cùng Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tiệc mừng. Đại sứ quán Việt Nam đặt bàn ghế ở mọi khoảng trống có thể, từ trong nhà ra ngoài vườn. Người dân Cu-ba lại một lần nữa xếp hàng dài vào chia vui cùng nhân dân Việt Nam…
Sự trùng hợp lịch sử
Người phiên dịch nhiều sự kiện hoạt động của Phi-đen liên quan tới Việt Nam, được mệnh danh là “con nuôi của Phi-đen”, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin không kìm nén được những cảm xúc tự nhiên khi nhắc lại kỷ niệm về Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô. Nhắc lại một số điểm nhấn trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Cu-ba, trong đó có nhiều điểm mà đồng chí Nguyễn Đình Bin cho rằng, đấy là sự trùng hợp lịch sử, rất có ý nghĩa và không phải ngẫu nhiên.
50 năm trước, ngày 2-1-1966, tại Quảng trường Cách mạng Cu-ba, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã dõng dạc tuyên bố với thế giới tại Đại hội Đoàn kết 3 châu: Á-Phi-Mỹ La-tinh: “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. 50 năm sau, tối 29-11-2016, cũng tại quảng trường này, thay mặt lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải nói lời tiễn biệt vị Lãnh tụ của cách mạng Cu-ba, nhân vật huyền thoại của cả thế giới, người luôn coi Việt Nam là một phần quan trọng trong trái tim mình, về nơi an nghỉ vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn. Lời tái khẳng định của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân về tinh thần đoàn kết chiến đấu kiên định trước sau như một của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với những người Cộng sản và nhân dân Cu-ba cũng được đưa ra trước đông đảo các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có cả các nhà lãnh đạo đến từ 3 châu: Á, Phi, Mỹ La-tinh.
43 năm trước, ngày 16-9-1973, tới thăm Việt Nam, Chủ tịch Phi-đen đã phất cao ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên vùng đất lửa Quảng Trị với câu nói truyền lửa đầy quyết đoán: “Các đồng chí hãy mang lá cờ vinh quang này cắm giữa Sài Gòn”, để rồi chưa đầy 2 năm sau, lá cờ vinh quang ấy đã phấp phới bay trên Dinh Độc Lập trong ngày Đại thắng 30-4-1975. Giữa Quảng Trị, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô một lần nữa tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Cu-ba cũng là nước đầu tiên thành lập Ủy ban Đoàn kết với miền Nam Việt Nam, là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nâng quy chế ngoại giao, lập đại sứ quán tại mỗi bên. (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở Cơ quan đại diện thường trú tại La Ha-ba-na do Cu-ba đài thọ kinh phí, sau đó chuyển thành Đại sứ quán khi Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập; Cu-ba là nước đầu tiên lập “Đại sứ quán trong rừng” tại căn cứ Bắc Tây Ninh để sát cánh cùng quân và dân miền Nam trong cuộc chiến giành tự do, thống nhất đất nước. Như vậy, thời kỳ đó, ở Việt Nam có hai Đại sứ quán của Cu-ba. Tại Cu-ba cũng tồn tại hai Đại sứ quán của Việt Nam. Đó là Đại sứ quán của Việt Nam dân chủ cộng hòa và Đại sứ quán của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Trong mỗi thời khắc lịch sử quan trọng của Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1960, Chủ tịch Phi-đen luôn ở bên Việt Nam, hết lòng ủng hộ với tất cả tình yêu thương. Bởi vậy, với người dân Việt Nam, Phi-đen luôn là một tượng đài của tình đoàn kết vượt không gian và thời gian, của tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Cũng bởi thế, Việt Nam dành nghi thức đặc biệt, Quốc tang, đúng vào ngày ở bên kia bán cầu, nhân dân Cu-ba tổ chức an táng vị anh hùng huyền thoại. Ấy cũng là sự tri ân với những tình cảm đặc biệt của Người dành cho Việt Nam, đồng thời cũng bày tỏ sự kính trọng của Việt Nam với một vĩ nhân của thời đại.
Theo CHIẾN THẮNG
Quân đội nhân dân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn