Ngày 11/12, TP Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt hơn 600 tướng lĩnh Quân đội, Công an đã nghỉ hưu trên địa bàn nhân kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến. Phát biểu tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc; bày tỏ tri ân đối với những cống hiến, đóng góp to lớn của toàn dân và các lực lượng vũ trang, của các tướng lĩnh trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang…
Bài phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải gợi nhớ lại thời kỳ cách đây 70 năm, trong bối cảnh đất nước, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi thực dân Pháp quyết tâm quay trở lại cướp nước ta một lần nữa.
Nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, ngày 18, 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp, quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc.
“Đáp “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nêu cao ý chí quyết tâm sắt đá chống giặc, giữ nước với niềm tin tất thắng”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Nhân dân Thủ đô Hà Nội đã anh dũng đứng lên nổ súng mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại của dân tộc, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách của người Thăng Long - Hà Nội: thanh lịch - hào hoa - yêu chuộng hòa bình nhưng cũng quật cường - bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập - tự do của dân tộc.
Mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được vũ trang hiện đại, đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu kiên cường, sáng tạo, “giam chân” kẻ thù suốt 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/02/1947), tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, tản cư được phần lớn nhân dân, đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị công nghiệp lên chiến khu... góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
“Cuộc chiến đấu ngoan cường 60 ngày đêm “giam chân” địch ở Hà Nội là khoảng thời gian tuy không dài so với lịch sử của Thủ đô và đất nước, song tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến đấu Mùa đông năm 1946 mãi mãi là niềm tự hào, là bản anh hùng ca về ý chí quật cường, tinh thần gan dạ, dũng cả”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, 70 năm qua, với thăng trầm của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển ngày càng lớn mạnh. Từ một thành phố nhỏ bé, lạc hậu khi mới giải phóng trở thành một đô thị rộng lớn, khang trang, hiện đại với diện tích 3.344 km2; dân số hơn 7,5 triệu người, với 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã, 584 xã, phường, thị trấn.
Đảng bộ Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước, với 59 đảng bộ trực thuộc, trên 40 vạn đảng viên. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đóng góp 10% GDP, 20% tổng thu ngân sách, 20% tổng vốn đầu tư xã hội và 8,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của tình hình biến động trên thế giới, nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu, diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, nhưng Thủ đô Hà Nội đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện, rất đáng tự hào.
Ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ Thành phố, Thủ đô Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực: Kinh tế Thành phố ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,03%, đạt mức tăng cao nhất trong 6 năm gần đây.
Quang Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn