Sáng ngày 12/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019, do Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Trường ĐH Hoa Sen tổ chức.
Sau khi lắng nghe các tham luận của lãnh đạo TPHCM, cơ sở đào tạo du lịch và doanh nghiệp về thực trạng và quan điểm đổi mới đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có những phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nguồn nhân lực được xác định là chiến lược trong 3 đột phá hàng đầu để đưa đất nước thoát khỏi thu nhập trung bình. Thủ tướng đánh giá diễn đàn đã truyền thông rất tốt để người dân hiểu ý nghĩa của vấn đề này.
“Chúng ta nói liên quan đến cộng đồng dân cư, người dân mà không tốt thì du lịch khó phát triển được. Phải làm sao mỗi người dân là một đại sứ du lịch, chính ứng xử văn hoá của người dân đó chính là môi trường phát triển bền vững đất nước”, Thủ tướng Phúc nói.
Tại đây, Thủ tướng đặt 3 câu hỏi cho các đại biểu tham dự diễn đàn. Thứ nhất: Ngành du lịch có đủ hấp dẫn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam và quốc tế tham gia không? Các chính sách đào tạo, nghề nghiệp có đủ thu hút?
"Tôi tin rằng những công ty có chính sách tốt sẽ trả lời tốt nhất câu hỏi trên. Đó là những công ty có môi trường tốt, văn hóa công ty tốt. Đây không chỉ là câu hỏi cho doanh nghiệp du lịch mà cả cơ quan nhà nước. Du lịch là ngành có tính chất cạnh tranh toàn cầu nên khó áp dụng chế độ bảo hộ, chính sách về nguồn nhân lực không được rời rạc mà phải tổng thể", Thủ tướng nhấn mạnh.
“Vì sao chúng ta chưa có nguồn nhân lực tốt ở ngay trường mình, công ty mình? Hãy lấy kinh nghiệm của người xưa nói “tiên trách kỉ, hậu trách nhân” để ứng dụng trong mọi ngành chứ không chỉ là ngành du lịch. Ví dụ: khi dùng bữa tại một nhà hàng, có người phục vụ xếp đũa muỗng ở tay trái vì biết rõ người khách này thuận tay trái. Đây là một ví dụ cho thấy họ có chiều sâu trong đào tạo, thấu hiểu du khách trong một cá nhân cụ thể”, Thủ tướng nói.
Câu hỏi thứ hai: “Chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn chiếm trên 10% GDP, tạo lan tỏa sâu rộng, vậy chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ mũi nhọn? Làm gì để thu hút lao động có kỹ năng, chất lượng cao? Làm gì để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có?".
Thủ tướng muốn mở rộng nội hàm chủ đề nguồn nhân lực du lịch. Thủ tướng cho rằng không chỉ các đơn vị, công ty mà người dân, cộng đồng - nơi diễn ra hoạt động du lịch cũng phải tham gia. Nhất là khi năm qua, chúng ta nói nhiều về du lịch cộng đồng. Chính người dân mới là yếu tố quyết định quan trọng trong hệ thống du lịch Việt Nam.
“Chúng ta có 346 cơ sở đào tạo du lịch, mỗi năm nhu cầu du lịch đến 40.000 người nhưng chất lượng mới là vấn đề đặt ra, còn thấp, yếu, chưa học hành đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về văn hóa, ứng xử, thái độ... Như vậy, chuẩn mực đào tạo vẫn còn khoảng cách. Cách đây 30 năm, TPHCM có trường du lịch rất nổi tiếng, ai học ra thì làm nghề rất giỏi. Học và hành, các trường hiện nay có đặt yêu cầu đó không? Địa phương và các trường phải giải quyết được vấn đề này. Mô hình công ty trường này là một hình thức rất cần thiết. Nếu làm trường học mà không có thực hành thì rất xa vời với cơ hội nghề nghiệp. Nhìn phong cách phục vụ, người hướng dẫn viên là biết việc có được đào tạo tốt hay không”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cho rằng, ứng xử của người dân là yếu tố quan trọng thu hút du lịch. Cộng đồng văn hóa rất quan trọng. Tại Hội An có cộng đồng làm du lịch rất tốt, sáng sớm vào xem đồ mà không mua người dân rất vui vẻ, lại còn hướng dẫn đường đi. Những chị bán chè, bán gánh cũng biết thu hút du lịch. Hay như Hội nghị Mỹ - Triều vừa qua, ông bán nước bưng bát nước chè đến tận tay các phóng viên quốc tế, nên du khách ấn tượng vô cùng.
Thủ tướng cho rằng mỗi cá nhân đều có liên quan đến sự phát triển của du lịch Việt Nam. Đó chính là nguồn nhân lực quan trọng chứ không chỉ là nhân lực trong trường lớp đi ra. Thủ tướng nhấn mạnh trong ngành du lịch, tính hiệu quả của nguồn nhân lực gắn liền với giá trị của mỗi con người.
Vậy tại sao chúng ta không phát huy nguồn lực đó? Đó là còn chưa kể nguồn nhân lực lớn trong các ngành văn hóa, lịch sử, truyền thông... Cần tập hợp những nhân sự đa ngành để phối hợp làm du lịch tốt hơn.
Câu hỏi thứ ba Thủ tướng đặt ra là: Đảng và Nhà nước những năm qua xác định thể chế, nhân lực, hạ tầng là 3 chiến lược hàng đầu, vậy các Bộ ngành đã làm gì để ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành mũi nhọn?
Thủ tướng cho rằng Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch và lãnh đạo các địa phương phải tìm câu trả lời cho 3 vấn đề đã được nêu ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúc kết rằng, để đưa du lịch thành ngành kinh tế đột phá chỉ cần gói gọn trong 3 chữ "C". Đó là "Con người, Cơ sở hạ tầng và Chiến lược".
Trong đó, Con người: cần nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp khách du lịch, đặc biệt người dân bản địa tại địa phương trong đó vai trò quan trọng của nhà trường và người dân. Cơ sở hạ tầng: Hạ tầng du lịch, kết nối giao tông, hạ tầng mềm (văn hóa), điện tử... Chiến lược: Làm gì cũng phải có bước đi trước đi sau, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có tầm nhìn dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm cùng các ngành khác, nhất là ngành giáo dục đào tạo để cân bằng văn hóa kinh tế môi trường. Đặc biệt là vấn đề đào tạo để nguồn nhân lực không thừa thiếu, số lượng đi cùng chất lượng để phát triển du lịch Việt Nam.
Thủ tướng kỳ vọng sau diễn đàn, các Bộ ngành sẽ có câu trả lời thỏa đáng, giải quyết đúng bản chất vấn đề, tháo gỡ nút thắt, xây chiến lược đúng hướng, khả thi, nhất là trong vấn đề nâng cao nguồn nhân lực cả về lượng và chất, để du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.
Lê Phương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn