Thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 là nội dung đầu tiên được UB Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 33, khai mạc sáng nay, 10/4.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Chương trình năm 2020 gồm 14 dự án.
Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 9, chương trình thông qua có 8 dự án, gồm 4 dự án được gối từ Chương trình năm 2019. Có 4 dự án mới được đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2019, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9 là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 10, Chương trình thông qua gồm 5 dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Đối với Chương trình năm 2019, ngoài 3 dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2019 theo Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018, Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2019 đối với 10 dự án, dự thảo.
Trong đó, đề nghị rút ra khỏi Chương trình 2 dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Liên quan đến các dự án luật đã được rút ra khỏi chương trình các năm trước đây (từ 2016 – 2018), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự án Luật về Hội đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Luật Biểu tình đang được Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước.
Luật Quản lý phát triển đô thị, trước mắt, Chính phủ chưa đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, 2020 mà sẽ tiếp tục phân tích, tiếp thu, giải trình một cách cụ thể, kỹ lưỡng, hoàn thiện dự thảo Luật và đề xuất đưa vào Chương trình sau năm 2020.
Tương tự, Luật Dân số sẽ được lùi đến một thời điểm thích hợp.
Đặc biệt, luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UB Pháp luật và UB Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật theo hướng xây dựng một luật chung. Hiện nay, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn