Đó là những thông tin được nêu trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 của Chính phủ. Báo cáo được đưa ra Quốc hội thảo luận hôm nay, 13/11.
Chọn gỡ những khâu yếu, việc khó trong chống tham nhũng
Trong báo cáo, Chính phủ nêu nhận định khái quát, hoạt động này có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm.
Cơ quan báo cáo đề cao hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN khi tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sâu sát; kiểm tra, giám sát chặt chẽ; đôn đốc thường xuyên, liên tục đối với các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng trong PCTN. Ban Chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cơ quan này đã chọn một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm…
Chính phủ đánh giá đặc biệt về việc Ban Chỉ đạo xử lý quyết liệt, nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người vi phạm là ai, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
2018, Chính phủ tập trung vào một nội dung khá mới so với các báo cáo thường niên trước đó. Đó là việc kiện toàn bộ máy các cơ quan chống tham nhũng.
Cụ thể, theo Chính phủ, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc Bộ Công an,Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ tiếp tục được kiện toàn tổ chức, bộ máy. Cục IV, Thanh tra Chính phủ có 4 lãnh đạo Cục, 5 phòng với 39 công chức; Vụ 5, VKSND tối cao có 4 lãnh đạo Vụ, 4 phòng với 24 công chức.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu được hợp nhất từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về buôn lậu.
Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ được đổi tên thành Cục Phòng, Chống tham nhũng (Cục IV) và điều chỉnh định hướng hoạt động nghiệp vụ, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCTN, đồng thời chú trọng tiến hành các cuộc thanh tra nhằm phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm.
Việc sắp xếp này giúp đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng và quản lý nhà nước về PCTN.
Dẫn chứng được đưa ra, sau sắp xếp, Thanh tra Chính phủ đã nắm tình hình đơn thư tố cáo, phản ánh về tham nhũng; tích cực thực hiện chương trình công tác thanh tra năm 2018 và các nhiệm vụ thanh tra đột xuất được giao. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài; thanh tra việc giải quyết tố cáo một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và công tác cán bộ tại Trường Đại học Ngoại thương.
Đơn vị cũng thực hiện cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng Công ty thuốc lá; xây dựng kế hoạch thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN trong hoạt động kinh doanh xổ số và một số cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất khác.
Trong năm, cơ quan này đã hoàn thiện kết luận thanh tra toàn diện Công ty cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong năm 2018, việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra đã được quan tâm thực hiện sớm, có trọng tâm, trọng điểm. Cơ quan thanh tra tập trung thúc đẩy tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành, công khai kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra, kiểm tra phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như cuộc thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nghìn Toàn Cầu (AVG); việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản VN và một số đơn vị thành viên; việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; việc thực hiện quy hoạch, thu hồi đất khu đô thị mới Thủ Thiêm...
Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại.
Biểu hiện “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” có thể xảy ra
Tuy nhận định tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm nhưng Chính phủ vẫn cho rằng, tình hình tham nhũng năm 2018 còn biểu hiện diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù đã có chiều hướng thuyên giảm, báo cáo của Chính phủ vẫn nhận định, tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn biểu hiện diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Theo “nhiệt kế” đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh được thực hiện trong năm 2018, kết quả điểm trung bình của các địa phương là 61,28/100 điểm, có tiến triển nhưng chỉ ở mức 5% so với năm trước.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng xác nhận, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc tự kiểm tra để phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu.
Những tồn tại trong công tác PCTN được chỉ rõ như thể chế pháp luật sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng trên các lĩnh vực quản lý, sử đụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; quản lý DNNN…
Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực. Các địa phương như Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bình Định… có hiện tượng bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN.
Các cơ quan cũng chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp như xử lý trách nhiệm người đứng đầu, luân chuyển cán bộ, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng…
Dự báo tình hình tham nhũng năm 2019, Chính phủ cho rằng, thời gian tới, tham nhũng sẽ từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và thuyên giảm. Tuy vậy, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra.
Kết quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng năm 2018
Qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 25 vụ, 27 đối tượng (giảm 43,2% số vụ). Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 14,7% số vụ). Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 66,7% số vụ).
Cơ quan điều tra của công an đã thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng (trong đó năm 2017 chuyển sang 168 vụ, 364 bị can; khởi tố mới 279 vụ, 554 bị can), tăng 26,8% vụ, 15,6% bị can so với năm 2017. Thiệt hại trong các vụ án đã thụ lý, điều tra là hơn 4.764 tỷ đồng, trên, 300.000m2; đã thu hồi trên 2.267 tỷ đồng và nhiều tài sản.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn