Sáng nay, 12/11, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 2 phiên thảo luận, UB Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về Danh mục các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Tổng hợp ý kiến đại biểu, ông Hải thông tin, có nhiều ý kiến nghị sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển nhưng một số ý kiến “can gián” vì thu ngân sách trung ương không đạt kế hoạch, không cân đối được vốn.
UB Thường vụ Quốc hội phân tích, trong bối cảnh nguồn vốn dành cho đầu tư công còn hạn hẹp, thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư thực tế, việc sử dụng nguồn dự phòng chung trong phạm vi mức tối đa là 2 triệu tỷ đồng là cần thiết. Việc này góp phần kịp thời bổ sung nguồn vốn để khắc phục tình trạng nhiều dự án có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn dở dang, chậm tiến độ do thiếu vốn. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc của Nghị quyết 26 năm 2014 của UB Thường vụ Quốc hội về thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn vốn dự phòng chung là tập trung cho các dự án đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn đang thực hiện dở dang, thiếu vốn nhằm đáp ứng tiến độ đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng, tránh lãng phí, dàn trải trong đầu tư.
Tán thành quan điểm này, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung như quy định tại dự thảo Nghị quyết để bổ sung kịp thời nguồn lực cho đầu tư trên cơ sở đảm bảo cân đối ngân sách, giữ mức chỉ tiêu bội chi và chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định.
Về danh mục các dự án sử dụng nguồn dự phòng, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách nhắc lại con số 14.000 tỷ đồng để quyết toán cho các dự án ODA từ năm 2016 trở về trước, số 15.000 tỷ đồng cho các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng đã được nêu trong Nghị quyết 26.
Với việc Chính phủ đề xuất phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng còn lại, kết quả xin ý kiến đại biểu thể hiện, có 348 trên tổng số 429 phiếu thu nêu quan điểm tán thành để UB Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục các dự án sử dụng nguồn dự phòng, chỉ 81 phiếu yêu cầu phải trình Quốc hội quyết tại kỳ họp sau. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Nghị quyết đưa ra để các đại biểu bấm nút thể hiện phương án 1.
Đề xuất tăng mức trần nguồn vốn vay nước ngoài lên tối đa 360.000 tỷ đồng cũng được nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất.
UB Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, ban đầu, Nghị quyết 26 của Quốc hội chốt mức vốn này là 300.000 tỷ đồng. Trong thực tế triển khai thực hiện thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, Chính phủ đã ký kết các hiệp định vay vốn ODA với tổng số vốn cần bố trí để triển khai thực hiện theo cam kết với nhà tài trợ vượt mức trần này.
Việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, tạo điều kiện để triển khai, thực hiện các dự án vay vốn ODA đã có chủ trương đầu tư, đã được ký kết nhưng chưa có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn là cần thiết, tranh thủ nguồn lực nước ngoài, đảm bảo cam kết với nhà tài trợ. Tuy nhiên, việc giữ mức trần tổng vốn đầu tư 2 triệu tỷ đồng cần đảm bảo để kiểm soát chỉ tiêu nợ công và bội chi.
Theo đó, Quốc hội cho phép tăng mức trần vốn vay nước ngoài lên thêm 60.000 tỷ đồng nhưng phải điều chỉnh giảm tương ứng nguồn vốn vay trong nước.
Báo cáo giải trình của UB Thường vụ Quốc hội cũng đề cập ý kiến đề nghị bố trí vốn để trả nợ của ngân sách Trung ương đối với các dự án PPP đã cam kết. Có ý kiến đề nghị cân nhắc ưu tiên cho 11 dự án PPP thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông trong trường hợp không huy động được.
Cơ quan giải trình xác nhận, hiện tại ngân sách Trung ương đang nợ tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, chưa thanh toán theo tiến độ cam kêt với một số dự án PPP do ngân sách có nhiều khó khăn, chưa bố trí được nguồn hoàn trả. Do đó, UB Thường vụ Quốc hội tán thành việc ưu tiên trả nợ cho các nhà đầu tư theo đúng cam kết.
Với dự án cao tốc Bắc – Nam, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách nhận định, năm 2017, Quốc hội đã quyết định bố trí 55.000 tỷ đồng cho các dự án thành phần của cao tốc này. Trong trường hợp đấu thầu huy động, lựa chọn nhà đầu tư khó khăn, các cơ quan cần báo cáo UB Thường vụ Quốc hội xem xét sau. Vậy nên nội dung này không được đưa vào nghị quyết điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn