Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, trong trường hợp này, toà làm theo luật, không có gì là đặc biệt trong vụ việc này cả.
“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, cứ theo pháp luật mà làm thôi” - ông Bình nói rõ.
Cụ thể, theo Nghị quyết số 03 năm 2017 về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Điều 3 nêu rõ “Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Toà án”.
Tại phiên toà, khi phổ biến quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, Chủ tọa phiên tòa, phiên họp phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về những bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và quyền của họ về việc yêu cầu Tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.
Trước đó, trong phần thủ tục khai mạc phiên toà sơ thẩm xét xử cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh cùng 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia, chủ tọa phiên tòa thông báo, theo quy định của TAND Tối cao, đối với những bản án có hiệu lực pháp luật thì được công bố lên trang cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, các bị cáo có quyền được đề nghị từ chối việc công bố đó vì lý do cá nhân.
“Có bị cáo nào đề nghị từ chối công bố bản án lên cổng thông tin điện tử không?” - chủ tọa hỏi.
Sau câu hỏi này, ông Vĩnh đứng lên xin được từ chối quyền công bố bản án. Về nguyên tắc, chỉ cần một bị cáo từ chối thì bản án sẽ không được công bố, do đó chủ toạ không hỏi các bị cáo khác về việc này.
Theo cáo trạng được đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ công bố tại phiên toà, ông Phan Văn Vĩnh bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điểm a khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Khung hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.
Cáo trạng cũng xác định, năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hoá và một số cán bộ cấp dưới lập đề án xây dựng Công ty CNC thuộc C50. Sau đó ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hoá. Đầu năm 2015, Dương hợp tác với Phan Sào Nam để phát hành game đánh bạc Rikvip.
Năm 2016, ông Vĩnh chỉ đạo cấp dưới báo cáo Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để hợp pháp hoá hai cổng game. Ông Vĩnh cũng chỉ đạo chỉnh sửa để cấp phó ký, trong đó khẳng định, hai game bài Rikvip và 23zdo đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Dương khai đã đưa cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, gần 2 triệu USD cùng nhiều đồ vật giá trị. Tuy nhiên, ông Vĩnh đã phủ nhận lời khai này.
Do chưa có căn cứ chứng minh ông Vĩnh và ông Hóa hưởng lợi cá nhân nên hành vi nhận hối lộ sẽ được cơ quan chức năng làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.
Trao đổi với PV , đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thúy - Phó Chánh án TAND TPHCM - cho biết việc thực hiện phải tuân thủ theo hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2017 của TAND Tối cao.
“Bản án sau khi có hiệu lực pháp luật mới được xem xét công bố trên cổng thông tin điện tử theo quy định. Ý kiến của bị cáo như thế nào thì hội đồng xét xử sẽ ghi nhận. Nếu liên quan đến bí mật đời tư cá nhân thì mới không công bố, còn những nội dung về đường hướng xét xử, quan hệ tranh chấp thì mình vẫn công bố thôi”- bà Thuý nói.
Theo bà Thúy, tại TAND TPHCM, mỗi thẩm phán đều có ít nhất 1-2 bản án được đưa lên mạng. Nếu thẩm phán nào chưa có bản án được công bố trên cổng thông tin điện tử thì không có được xét thi đua.
Bà Thuý cho rằng, khi nào bản án dành cho các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet có hiệu lực pháp luật thì mới xem xét tới việc có đưa lên Cổng thông tin điện tử TAND tỉnh Phú Thọ hay không.
“Vì nhiều khi bản án chưa có hiệu lực và bị tuyên hủy thì sao? Người ta chưa có tội thì sao? Hội đồng xét xử TAND tỉnh Phú Thọ sẽ quyết định việc này. Tôi cho rằng một bản án mà giấu 1-2 phần nào đó thì sẽ không hiểu, nội dung vụ án sẽ không liền mạch”- bà Thuý nêu quan điểm.
***
Cũng trong sáng 13/11, báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của toà án đã được đẩy mạnh. Cụ thể là xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu, phát triển các ứng dụng về hệ thống truyền hình trực tuyến phục vụ các hội nghị, xây dựng các trang thông tin điện tử của toà án và công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử.
Đến nay ngành toà án đã đưa lên mạng internet hơn 151.000 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Hầu hết các thẩm phán và tất cả các toà án trong toàn quốc đều đã có bản án được công bố trên cổng thông tin điện tử của toà án.
Tác giả: P.T
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn