Chi bộ Đảng ở Ranh Hạt ra đời như thế nào?
Cuối những năm hai mươi của thế kỷ XX, phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nhiều nơi trong nước phát triển mạnh và từ đó đòi hỏi phải có một chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Mặt khác, những người tiên tiến trong Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội nhận thấy phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của cách mạng và cách mạng mới thành công.
Cùng với sự phát triển của tình hình chung, từ năm 1926-1927 nhiều nơi trong tỉnh Rạch Giá (ngày nay là Kiên Giang) được các cán bộ Kỳ Ủy tuyên truyền vận động, giác ngộ. Lúc đầu là vận động vào các hội thể thao, tổ chức đọc sách báo, nâng cao hiểu biết, và từng bước mang màu sắc chính trị đậm nét, là mảnh đất tốt cho Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tuyên truyền cách mạng và xây dựng phong trào. Thời kỳ này nhiều thanh niên ở Ranh Hạt, Vĩnh Thuận và các vùng lân cận cũng tích cực tham gia các phong trào đó.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu sự trưởng thành của cách mạng, mở ra bước ngoặt lịch sử của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về sự lãnh đạo của cách mạng Việt Nam nói chung và của địa phương nói riêng.
Ngay sau khi ra đời, các đảng viên Cộng sản liền bắt tay vào xây dựng, phát triển tổ chức của mình và cũng vì thế bọn giặc truy lùng gắt gao, hòng bóp chết những nầm móng của cách mạng còn non trẻ.
Giữa năm 1931, nhiều cán bộ cách mạng từ miệt Vĩnh Long, Mỹ Tho tránh giặc truy lùng, xuống vùng kinh xáng Chắc Băng, Vĩnh Thuận, Thới Bình hoạt động. Chỉ trong thời gian ngắn, vào mùa khô cuối năm 1932, tại Ranh Hạt (nay là ấp Bờ Xáng), xã Vĩnh Thuận, chi bộ đảng được thành lập gồm 5 người Quảng Trọng Linh, Quảng Trọng Hoàng, Nguyễn Thị Lan, Mẹo và Kiếm, do Quảng Trọng Linh làm bí thư. Đây là chi bộ đảng đầu tiên trên mảnh đất Kiên Giang hiện nay.
Nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Trong hội nghị thành lập chi bộ, chủ trương trước mắt được đề ra là tuyên truyền giáo dục, giác ngộ cho quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng, lãnh đạo đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực về dân sinh, dân chủ.
Từ năm 1932- 1936, các cán bộ tuyên truyền cho hàng ngàn quần chúng ở Vĩnh Thuận và các xã xung quanh, hình thành được hai tổ Nông hội đỏ ở Vĩnh Thuận và Cái Bát, xây dựng được một số quần chúng tích cực, tạo nguồn phát triển Đảng.
Song song với việc tuyên truyền, gây dựng cơ sở, chi bộ còn chú trọng công tác bồi dưỡng chính trị cho đảng viên và quần chúng. Những tài liệu được dùng làm bài giảng là: Khát quát về tình hình thế giới và trong nước; đường lối cách mạng tư sản dân quyền của Đảng; 5 bước công tác, các bài học cơ bản của đảng viên…
Qua những lớp học này, đã giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực nâng lên một bước về trình độ hiểu biết, nhất là về đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng; từ đó giúp cho các cán bộ có được vốn quý để tuyên truyền giác ngộ quần chúng làm cách mạng đấu tranh với kẻ thù.
Từ một chi bộ đầu tiên với mấy cán bộ, đảng viên, chi bộ Ranh Hạt-Vĩnh Thuận từng bước trưởng thành trong khó khăn, gian khổ. Các cán bộ hiểu rằng mình sống và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Thuận (thuận hoà mãi mãi) - một địa danh vừa là tuyền thống tốt đẹp vừa là niềm ước ao, muốn sống lâu bền, hòa thuận trong cảnh thanh bình an cư thịnh vượng.
Đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh uỷ Kiên Giang, Huyện uỷ Vĩnh Thuận khánh thành công trình khu di tích Ranh Hạt – nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản Viêt Nam đầu tiên của đảng bộ tỉnh Kiên Giang. Công trình này thể hiện sự tri ân của Tỉnh ủy Kiên Giang, Huyện ủy Vĩnh Thuận và toàn Đảng bộ, quân dân trong tỉnh ghi nhận công lao to lớn của những chiến sĩ cộng sản tiền bối đối với phong trào cách mạng ở vùng U Minh Thượng nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung, trong thời kỳ đầu tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ông Võ Thanh Xuân – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận, chia sẻ: “Ranh Hạt là công trình mang đậm nét dấu ấn lịch sử và văn hoá, có ý nghĩa giáo dục cho đảng viên, cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cũng như trong huyện Vĩnh Thuận về lịch sử và đấu tranh kiên cường của Đảng bộ quân dân ta. Đây cũng là một địa chỉ truyền thống để giáo dục cho nhiều thế hệ mai sau; về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khu Di tích này sẽ kết nối với các khu di tích khác trong khu vực, thời gian tới sẽ thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, kể cả khách nước ngoài, đến tham quan tìm hiểu lịch sử của nhân dân U Minh Thượng đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược mà một số nhà văn, nhà thơ thường ca ngợi như một huyền thoại: “Huyền thoại U Minh”.
Nguyễn Hành – T. Xuân
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn