Những ngày này, người dân xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa (Phú Yên) vẫn trong không khí kỷ niệm 60 năm (22/12/1960 – 22/12/2020) ngày “Đồng khởi Hòa Thịnh”, ngày mà toàn thể nhân dân cùng đứng dậy lật đổ chính quyền ngụy ở cơ sở, dựng lên bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân.
Còn đối với ông Dương Dụ (một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh - Nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1) đây là dịp để nhớ lại sự lãnh đạo tài tình của Đảng lúc bấy giờ và các đồng đội cùng sát cánh chiến đấu với ông khi xưa.
Đến thăm lại khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng khởi Hòa Thịnh (xã Hòa Thịnh) ông không khỏi bồi hồi xúc động, khi nhìn những kỷ vật của thời kỳ ấy nào loa, là kèn, là dây thừng để trói bọn tay sai, là đèn dầu soi đường cho dân đến với đêm Đồng Khởi, là nồi cơm nuôi dấu các chiến sĩ cách mạng trên núi Hòn Ông để chờ thời cơ tới.
Điểm dừng chân lâu nhất của ông Dương Dụ là nơi có lá cờ của Đảng và những cờ danh dự mà đơn vị ông được khen thưởng.
“Lá cờ của Đảng rất quan trọng trong chiến thắng Đồng khởi Hòa Thịnh, vì khi lá cờ phấp phới bay người dân ở đây có niềm tin mãnh liệt là sẽ chiến thắng, ai nấy cùng xung phong bắt trói giặc để lật đổ chính quyền của địch, dựng chính quyền ở nhân dân… nếu không có Đảng lãnh đạo thì phong trào ắt thất bại” - ông Dương Dụ khẳng định.
Ngược dòng thời gian, ông Dương Dụ nhớ về những công tác chuẩn bị cho đến đêm Đồng khởi dành thắng lợi, ông Dụ kể: Sau khi được học tập và quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng; Cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã có (cờ nửa đỏ, nửa xanh); phong trào cách mạng ở huyện Tuy Hòa 1 có những chuyển biến tích cực, Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ đạo Huyện ủy Tuy Hòa 1 phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
Xác định vị trí Hòa Thịnh là xã tiếp giáp núi, có địa thế thuận lợi và nhân dân ở đây giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, kiên cường, bất khuất, nên huyện ủy Tuy Hòa 1 chọn Hòa Thịnh là nơi tổ chức Đồng khởi điểm, tạo khí thế để phong trào đồng khởi lan rộng ra toàn huyện.
Khi có mật lệnh, chi bộ Đảng và nhân dân xã Hòa Thịnh khẩn trương vận động rút toàn bộ thanh niên đưa ra vùng căn cứ; đưa cơ sở nội tuyến bắt mối vận động, lôi kéo lực lượng dân vệ, phân hóa cao độ kẻ thù.
Đúng 19h ngày 22/12/1960, Đồng khởi Hòa Thịnh bắt đầu diễn ra. Đông đảo quần chúng nhân dân với đèn đuốc, cây gậy, dây thừng và lực lượng vũ trang của huyện vừa tấn công, vừa nổi dậy truy bắt bọn tề ngụy, bắt bọn chúng tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền tay sai của địch, lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân.
Ngay trong đêm, chính quyền cách mạng đưa một số tên ác ôn, tề ngụy ra cảnh cáo trước dân. Bọn chúng run sợ nhận tội và xin khoan hồng, tự nguyện giao nộp toàn bộ vũ khí, tài liệu, đồng thời hứa từ bỏ hành động phản cách mạng. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh được Khu ủy Khu V đánh giá “là điểm mở đầu cho phong trào giải phóng các tỉnh đồng bằng Khu V”.
Giáo dục con cháu tiếp tục phát huy truyền thống cha ông
Dịp ông Dương Dụ về thăm khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng khởi Hòa Thịnh cũng là dịp nhiều lớp học sinh và đoàn viên thanh niên ở các nơi về thắp nén hương để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở Hòa Thịnh.
Thấy các cháu, ông Dương Dụ với tư cách là nhân chứng sống, ông đã mượn micro và loa di động của người nữ thuyết minh để kể chi tiết về chiến thắng “Đồng khởi Hòa Thịnh”
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ông cha ta đã trải qua nhiều gian nan vất vả, hy sinh rất nhiều xương máu mới giành được thắng lợi, non nước hai miền thống nhất. Nhờ đó mà đến nay dân ta mới sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, các cháu được đến trường trong đủ đầy. Các cháu phải nhớ mà cố gắng học hành thành người để tiếp tục phát triển nước ta giàu mạnh hơn nữa” - ông Dương Dụ nói với các cháu học sinh.
Nói về cảm nghĩ sau khi được ông Dương Dụ thuyết minh, cháu Lê Minh Hằng, lớp 9 trường THCS Đồng Khởi chia sẻ: “Được ông kể về những gian khổ mà ông cùng đồng đội trải qua để giành lấy chiến thắng cho dân tộc, cháu rất khâm phục. Cháu xin hứa sẽ phấn đấu học thật giỏi để cùng xây dựng quê hương này càng tươi đẹp”.
Được là con cháu người Hòa Thịnh anh hùng, anh Nguyễn Sinh Kim, Công chức Văn hóa - Xã hội, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa chia sẻ: chúng em tự hào là người con của Hòa Thịnh anh hùng. Mỗi khi được nghe, đọc và học lịch sử quê hương, lịch sử Đồng khởi Hòa Thịnh thấy mình thật hạnh phúc khi được sống trong hòa bình. Giờ đây, bản thân sẽ ra sức học tập và nguyện mang hết trí tuệ, sức trẻ của mình để cống hiến cho quê hương và làm giàu chính đáng.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Đồng khởi, Đảng bộ, quân và dân xã Hòa Thịnh đã ra sức phấn đấu xây dựng quê hương. Đến nay, Hòa Thịnh đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Diện mạo làng quê đã khang trang hơn với đường bê tông vào đến tận đường làng, ngõ xóm; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang...
Ông Trần Quốc Sách, Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh phấn khởi nói: Hòa Thịnh anh hùng năm xưa nay đã trở thành xã nông thôn mới (từ năm 2016) và đang hướng tới các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
“Xã cơ bản đã xóa hết hộ đói; số hộ nghèo chỉ chiếm 2,98%, đến năm 2020 phấn đấu giảm còn 1% theo tiêu chí mới. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân cũng mở rộng kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi để phát triển kinh tế... Đảng bộ xã Hòa Thịnh hiện có 17 chi bộ trực thuộc với 455 đảng viên. Đây là những hạt nhân lãnh đạo xây dựng và phát triển quê hương Đồng khởi trong thời kỳ hòa bình, đổi mới”.
Trung Thi
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn