Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020) và mừng xuân Canh Tý 2020, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - về chủ đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Ông Phúc nhận xét, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được Đảng ta làm thường xuyên từ trước đến nay, nhưng trong nhiệm kỳ 12 của Đảng, công việc này được làm quyết liệt hơn và thực sự đem lại hiệu quả rõ rệt.
Nhắc tới số cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ 12, ông Phúc cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ 12 tới nay, đã có hơn 53.700 cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật đảng. Trong đó, có nhiều người phải chịu trách nhiệm hình sự, hơn 70 người trong số đó là cán bộ đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nhiều nhất trong các nhiệm kỳ từ trước đến nay. Những con số này nói lên ý chí quyết tâm cao của Đảng, sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác xây Đảng, trong công cuộc phòng chống tham nhũng – mặt trận được xem là phức tạp và cam go nhất.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, nếu chỉ dừng lại ở việc đánh giá như: kết nạp được bao nhiêu đảng viên, phát triển được bao nhiêu cán bộ, kỷ luật được bao nhiêu cán bộ đảng viên,… thì cũng chưa đánh giá một cách toàn diện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
“Theo tôi xét cho đến cùng của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng cũng là để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Năng lực lãnh đạo của Đảng được thể hiện ở sự phát triển của đất nước về mọi mặt” – ông Phúc nêu quan điểm.
Ông Phúc cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 của Việt Nam tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6% đến 6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 của Việt Nam đạt 516,96 tỷ USD. Thành tích về đối ngoại của Việt Nam trong năm 2019 cũng rất tích cực, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, quốc phòng an ninh được giữ vững,…
“Kết quả đạt được nói trên chính là thước đo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, mà thước đo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng lại bắt nguồn từ công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng có hiệu quả” – ông Phúc cho biết.
Theo ông Phúc, sở dĩ công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đạt được kết quả tích cực là Đảng ta đã đặt công việc này trong các mối quan hệ, như: đặt trong mối quan hệ hoàn thiện hệ thống chính trị; hoàn thiện vai trò quản lý của nhà nước, của Quốc hội, của Chính phủ.
“Vừa rồi chúng ta làm đồng bộ, chứ không phải tách riêng chuyện xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Công việc này phải chuyển động trong cả bộ máy nhà nước. Quốc hội vừa rồi có những hoạt động rất tích cực, như hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát rất tốt. Chính phủ thực sự là “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu” đã được Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ quán triệt. Khi nói tới xây dựng và chỉnh đốn Đảng mà không nhắc tới chuyển động của nhà nước thì không rõ được, vì mình là Đảng cầm quyền, mọi chủ trương, mọi quyết sách của Đảng đều được cụ thể hóa, thể chế hóa trong hoạt động của nhà nước” – ông Phúc nói thêm.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được đặt trong sự giám sát của nhân dân và các mặt trận, đoàn thể quần chúng. Thông qua những cuộc đối thoại giữa tổ chức Đảng, chính quyền với nhân dân để tìm đến sự đồng thuận.
Khi nói tới trách nhiệm của cán bộ đảng viên với nhân dân, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đã nhắc tới câu nói của Bác Hồ cách đây hơn 60 năm, đó là “Để dân đói, dân bệnh, dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Ông Phúc giải thích thêm, “Đảng và Chính phủ” ở câu nói trên của Bác Hồ là cả hệ thống cán bộ đảng viên, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương. Cán bộ đảng viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nếu địa phương nào vẫn còn hộ đói, hộ nghèo, đời sống của người dân còn khó khăn thì cán bộ đảng viên và tổ chức Đảng địa phương đó phải chịu trách nhiệm, vì chưa làm tốt vai trò lãnh đạo của mình.
“Tôi thấy nhiều nơi bộ đội biên phòng phải làm nhiều việc quá, như: dạy học, đỡ đẻ cho dân,… Đây không phải nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, nhiệm vụ của họ là bảo vệ vững chắc biên cương của đất nước. Việc làm của bộ đội biên phòng như vậy rất đáng biểu dương nhưng cũng cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ đảng viên và tổ chức Đảng địa phương đó” – ông Phúc nói thêm.
Cuối cùng, ông Phúc đưa ra nhận xét, thời gian qua, Đảng ta đã làm rất tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có công cuộc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, làm sao để “phòng” được tham nhũng mới tốt, đây là công việc rất khó.
Theo ông Phúc, muốn “phòng” được tham nhũng thì hệ thống chính sách pháp luật của nhà nước phải hoàn thiện, không còn kẽ hở để lợi dụng vào đó mà tham nhũng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác giám sát quyền lực của cán bộ, từ đó mới ngăn chặn sớm được những biểu hiện của tham nhũng.
Nguyễn Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn