Chiều 11/1, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Văn phòng Chính phủ.
Các Bộ trưởng “minh oan” danh xưng… siêu bộ
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi, Văn phòng Chính phủ lâu nay vẫn được nhiều người gọi là cơ quan “siêu bộ”. Nhưng nói điều đó cho thấy, Văn phòng là cơ quan đầu mối quan trọng, mắt xích điều phối công việc trong hệ thống các bộ, ngành, địa phương với Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nhận xét, trong năm qua, Văn phòng Chính phủ là đơn vị tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện thông điệp, dấu ấn xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, vì dân. Văn phòng Chính phủ khá mẫu mực trong số 26 bộ, cơ quan ngang bộ trong việc hướng đến hình ảnh mới, chính quy, nền nếp, hiện đại, giữa nói và làm, tính hành động và phục vụ người dân.
Nói về sự phối hợp công tác của cơ quan tham mưu trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng với Bộ mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khái quát, hoạt động của Văn phòng Chính phủ đã giúp đưa Chính phủ, đưa các bộ ngành đến gần người dân hơn. Ý kiến của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường cũng đến với Chính phủ dễ dàng hơn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì ghi nhận về sự mẫn cán, chuyên nghiệp của Văn phòng Chính phủ trong năm công tác 2016.
Nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ bày tỏ sự trân trọng với những hỗ trợ của Văn phòng Chính phủ trong hoạt động xây dựng các văn bản, nghị định thuộc lĩnh vực của ngành y tế. Những thúc đẩy, hỗ trợ từ Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực cho Bộ Y tế. Trước đây, Bộ này gần như đứng “đội sổ” về chỉ số cải cách hành chính, năm nay đã cải thiện, tăng được 8 bậc trong bảng xếp hạng Par Index.
“Văn phòng Chính phủ đã giúp chúng tôi tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời” – Bộ trưởng Tiến nhắc lại hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng, không chỉ là để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế mà còn cùng vào cuộc để giúp gỡ vướng nhiều khâu.
Bộ trưởng Y tế chia sẻ: “Vai trò đầu mối của Văn phòng, như nhiều người đã nói là cơ quan “siêu bộ” đã thể hiện trong việc đứng ra làm đầu mối kết nối trong chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực thẩm mà đáng ra Bộ chúng tôi là cơ quan có trách nhiệm hàng đầu”.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá cao vai trò tham mưu xây dựng thể chế cũng như tăng cường hiệu lực thực thi chính sách của Văn phòng Chính phủ.
“VPCP là bộ máy thích hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy thực thi chính sách vì đây là cơ quan có vị trí trung lập nhất trong Chính phủ nên không bị vướng vào những nhóm lợi ích. Các bộ, ngành thì nói thật có lợi ích nhóm của mình và các Bộ trưởng khó có thể thoát ra được áp lực đó để nói tiếng nói độc lập của mình trong Chính phủ” – ông Lộc phân tích.
Chia sẻ với áp lực của Văn phòng – cơ quan “gần mặt trời thì rát mặt”, chịu sức nóng, áp lực từ Thủ tướng nhiều nhất trong công việc hàng ngày, Chủ tịch VCCI cũng ghi nhận thành công ban đầu trong hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng trong năm qua.
Ông Lộc cũng kể chuyện tham gia làm 44 Nghị định về điều kiện kinh doanh để hướng dẫn thực thi luật Đấu thầu, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng đã giữ vai trò đầu mối đôn đốc, kết nối các cơ quan tổ chức gần 10 cuộc họp, quyết tâm làm cho xong trước 1/7/2016. Những cuộc họp không ít va chạm, gay gắt đó đã mang lại chất lượng cho những văn bản trình lên Thủ tướng, Chính phủ.
“Văn phòng Chính phủ đã chuyển từ một cơ quan “tổng hợp và kính chuyển”, từ một cơ quan “siêu bộ” sang thành tổ chức tai mắt của lãnh đạo Chính phủ, đảm nhận vai trò nhạc trưởng, là người thúc đẩy chủ trương, công tác của Thủ tướng tới các bộ, ngành, địa phương” – ông Lộc chốt lại.
Điều tiết mạnh để chống lợi ích nhóm của bộ, ngành
Bên cạnh những đánh giá chung, tại hội nghị Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cũng có những góp ý thẳng thắn, cho rằng Văn phòng Chính phủ cần đóng vai trò điều tiết mạnh hơn trong việc thống nhất ý kiến giữa các bộ, ngành với các vấn đề trước khi trình ra Chính phủ. Thực tế, theo ông Thu, thường Bộ nào cũng “rất khổ” trong việc xin ý kiến các bộ ngành liên quan khi xây dựng luật, nghị định, thông tư… Các ý kiến đóng góp, nếu có, thường chất lượng thấp và rất chậm.
Ông Thu dẫn chứng ngay luật Quy hoạch vừa được UB Thường vụ Quốc hội thảo luận hôm qua. Luật này do Bộ KH-ĐT chủ trì soạn thảo, sau khi thống nhất trong Chính phủ, đã được trình Quốc hội cho ý kiến 1 lần. Chính phủ đã thống nhất uỷ quyền cho Bộ trưởng KH-ĐT báo cáo thêm trong vòng cho ý kiến lần 2 tại Thường vụ Quốc hội nhưng tại phiên thảo luận này, lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự lại đưa ra nhiều ý kiến… ngược.
“Đề nghị Văn phòng Chính phủ rà soát lại việc này, có ý kiến với cá bộ ngành. Có rất nhiều bộ ngành vẫn không vượt qua được lợi ích nhóm trong công tác xây dựng thể chế mà Văn phòng Chính phủ cần điều phối mạnh để chống lại xu hướng này. Việc này trong năm qua Văn phòng đã có tiến bộ nhưng đây vẫn là một điểm yếu trong hoạt động chỉ đạo điều hành nói chung” – ông Thu nói.
Ghi nhận những kết quả cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ đã đạt được trong năm 2016, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, việc làm tốt chức năng của Văn phòng Chính phủ đóng góp tích cực, hiệu quả vào kết quả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng trên các lĩnh vực.
Trong năm, tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương có chuyển biến rõ nét, tiến bộ hơn rất nhiều so với các năm trước, nhất là sau khi Tổ công tác của Thủ tướng được thành lập. Đặc biệt, Tổ công tác, Văn phòng Chính phủ đã chủ động tổ chức các cuộc họp với đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan để trao đổi, thống nhất ý kiến hoặc làm rõ các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định.
Trao đổi thêm về vấn đề các bộ “nói ngược” mà Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đưa ra, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu các bộ, ngành nghiêm túc chấp hành kỷ luật kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng văn bản ở Chính phủ đã có quy trình chặt chẽ để lấy ý kiến các bộ, ngành rồi mới đi đến quan điểm thống nhất để trình ra Quốc hội.
“Phát biểu quan điểm cá nhân trước Thường vụ Quốc hội như thế là không nghiêm túc, cần chấn chỉnh. Yêu cầu các Bộ chấp hành quy định, nếu Bộ trưởng không đi dự được, cử Thứ trưởng đi họp thì cũng phải quán triệt phát biểu đúng ý kiến mà tập thể Chính phủ đã thống nhất” – Phó Thủ tướng nghiêm khắc nhắc.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn