Các hiện vật của gia đình một cựu binh Mỹ hiến tặng di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh minh họa: Đinh Thị Thuận/TTXVN)
Trong chuyến thăm lần này, ông Charles Jackson mong muốn tìm gặp lại những người Việt Nam từng là ân nhân trong thời gian ông là tù binh những năm 1972-1973.
Tại buổi gặp, Chủ tịch Hội Việt –Mỹ Nguyễn Tâm Chiến hoan nghênh ông Charles Jackson trở lại Việt Nam; hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp ông bà Jackson hiểu thêm về sự phát triển của Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Tâm Chiến cho biết: Quan hệ song phương Việt –Mỹ đã đạt được tầm cao mới, có những bước phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục… Trong bối cảnh đó, giao lưu nhân dân giữa hai nước cần tiếp tục được thúc đẩy và đa dạng hóa, trong đó quan tâm hơn đến trao đổi hữu nghị và hàn gắn vết thương chiến tranh. Việc thu xếp một số cuộc gặp gỡ giữa cựu binh Mỹ với cựu chiến binh, nhân dân Việt Nam là việc làm thiết thực, có ý nghĩa nhân văn.
Đây cũng là dịp giúp một bộ phận cựu binh, cựu tù binh chiến tranh và thân nhân có cái nhìn chân thực về đất nước, con người Việt Nam; đồng thời để họ hiểu thêm về lòng vị tha, sự hòa giải, tình cảm hữu nghị và mong muốn gác lại quá khứ, hướng tới tương lai của nhân dân, cựu chiến binh Việt Nam với cựu binh Mỹ, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tâm Chiến bày tỏ hy vọng quan hệ hợp tác giữa Hội Việt-Mỹ với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cựu binh và thân nhân ở Mỹ sẽ tiếp tục được quan tâm và thúc đẩy trong thời gian tới. Giao lưu nhân dân sẽ là cầu nối góp phần thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ phát triển, đạt được những mục tiêu xa hơn trong những năm tiếp theo, trên tinh thần bình đẳng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, không chỉ phục vụ cho lợi ích của mỗi nước mà còn đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tại buổi gặp, ông Charles Jackson đã chia sẻ câu chuyện của mình. Ngày 24/6/1972, máy bay của ông bị bắn rơi tại thôn Mường Gió (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) và ông bị bắt giữ tại đây. Sau đó, ông được chuyển về Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội; được trao trả về Mỹ theo quy định của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào 27/1/1973.
Trong thời gian ông bị bắt giữ tại Việt Nam, nhân dân xã Mường Gió (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) và cán bộ Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) luôn khoan hồng, độ lượng, đối xử nhân đạo với ông. Khi trở về Mỹ, ông luôn tâm niệm có ngày được trở lại Việt Nam để gặp, nói lời tri ân với những cán bộ, chiến sỹ, quản giáo và người dân Việt Nam mà ông coi là những ân nhân của mình.
Thu Phương
TTXVN
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn