Vấn đề này được đề cập khi UB Tư pháp thảo luận về báo cáo giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND ngày 22/8.
Cuộc giám sát dẫn tới kết quả khái quát, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ngày càng “lười” dự tòa khi bị dân thưa kiện. Năm 2017, tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia các phiên xử tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiện luật Tố tụng hành chính 2015.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, tại Hà Nội, trong 3 năm, TAND thành phố xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch Hà Nội tham gia tố tụng. Còn tại TPHCM, năm 2017 có 260/260 vụ kiện hành chính không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại tòa án.
Hà Nội, TPHCM có 3 Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phải hầu tòa mỗi ngày
Thừa nhận án hành chính đạt tỷ lệ giải quyết thấp nhất trong các loại án, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình lý giải, vì tòa “không vượt qua được những nguyên nhân khách quan” mà một trong những nguyên nhân đó là, theo quy định, chính quyền phải đối thoại trước khi tòa nhận hồ sơ vụ việc. Vì nhiều nơi chính quyền không đối thoại với dân nên tòa không thụ lý được, phải hướng dẫn người dân quay lại bước yêu cầu đối thoại.
Ở phía ngược lại, lý do lãnh đạo chính quyền các cấp không tổ chức đối thoại với dân là vì số vụ việc quá lớn. Như Hà Nội, TPHCM mỗi năm có khoảng 2.000 vụ kiện hành chính, mỗi ngày trung bình tòa phải xử 3 vụ, đòi hỏi lãnh đạo ra hầu tòa liên tục thì mỗi ngày phải có 3 ông Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyên để làm việc này.
Chuyện này cũng dẫn tới hệ quả là nhiều lãnh đạo chính quyền “chây ì thi hành án” như đánh giá của cơ quan giám sát. Đó là do quá trình giải quyết vụ kiện, lãnh đạo không tham gia đối thoại, không tham gia tố tụng, khi tòa tuyên chính quyền thua thì chính quyền có ý kiến, kháng nghị.
Nêu quan điểm khác, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phân tích, ở TP.HCM, trong 3 năm có 260 vụ án, lãnh đạo UBND không tham gia đối thoại bất cứ một vụ nào, không tham gia phiên tòa nào. Lý do có phải là do không đủ số lượng lãnh đạo để làm việc này? Nếu thế thì ít nhất lãnh đạo chính quyền cũng phải tham gia được một vài vụ việc chứ không lẽ trong 3 năm trời, một thành phố lớn như vậy không phân được cấp phó nào làm việc?
“Chúng tôi xem ti vi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự hội nghị ngành nọ, ngành kia… được thì sao không cố gắng tham gia đối thoại với dân chục vụ đi, cho gọi là có. Tại sao những hoạt động mang tính phong trào thì lãnh đạo đi được mà việc đối thoại với dân lại không? Đây là câu hỏi cử tri phản ánh với đại biểu Quốc hội đó” – bà Nga nói.
Còn làm Bí thư thì chưa chấp hành bản án(!?)
Mổ xẻ tiếp việc sau khi tòa tuyên án, một số lãnh đạo chính quyền phản ứng quyết liệt, Chủ nhiệm UB Tư pháp lật lại vấn đề, tại sao người ban hành quyết định tác động đến quyền lợi của người dân, theo quy định phải tham gia đối thoại, tìm cách giải quyết lại không thực hiện, tới khi nhận phán quyết mới “giãy nảy”, không chấp hành bản án với lý do tòa xử không đúng?
Tán thành quan điểm này, ủy viên UB Pháp luật Trần Hồng Hà cho rằng, không thể cáo bận công việc để không đối thoại hay đến toà vì đó những việc liên quan đến quyền con người, quyền công dân, các vấn đề điều hành kinh tế cũng không quan trọng bằng.
Nhấn mạnh tình trạng lãnh đạo "trốn" đối thoại, trốn đến toà như con số thể hiện ở Hà Nội, TPHCM, ủy viên UB Tư pháp Hoàng Văn Hùng bình luận, việc này thể hiện sự chưa ý thức với nhân dân. Ông Hùng cũng ngạc nhiên khi không chấp hành bản án tức là không chấp hành quy định của pháp luật mà chưa ai bị xử lý gì.
“Tôi đi giám sát, có ông còn tuyên bố “còn làm Bí thư thì chưa chấp hành bản án”. Đó là sự thách thức, nếu không có biện pháp mạnh thì không ổn” - ông Hùng khuyến nghị.
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu để Chính phủ có chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục, xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu cấp chính quyền không thực hiện quy định mà “địa chỉ đã lồ lộ trong báo cáo giám sát”.
Liên quan đến những hạn chế trong lĩnh vực giám sát, ông Học bình luận, ngoài yếu tố khách quan còn có yếu tố chủ quan, ngại va chạm trong quá trình thực hiện việc kiểm sát, xét xử, thi hành án.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn