Không “nới” cơ cấu các Cục trưởng công an có hàm Trung tướng

Thứ sáu - 24/08/2018 11:54
Chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), UB Thường vụ Quốc hội nêu nguyên tắc, về vị trí Cục trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng cần kết thừa luật 2014, không thay đổi về cơ cấu theo hướng quy mô lớn hơn…

UB Thường vụ Quốc hội vừa gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã được chỉnh lý sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Dự thảo luật Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 có một số quy định khác với Luật Công an nhân dân hiện hành: không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; bổ sung quy định cục đặc biệt để phong hàm trung tướng.

Dự thảo cũng bổ sung quy định cấp bậc hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1.

Không “nới” cơ cấu các Cục trưởng công an có hàm Trung tướng
Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về dự luật tại phiên họp thường kỳ tháng 8

Quy định cụ thể hơn về phong hàm cấp tướng

Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội khái quát, về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng ở các đơn vị thuộc Bộ một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật, vì phù hợp với tổ chức bộ máy của Công an theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Những ý kiến này đề nghị xác định rõ tiêu chí xác định cục đặc biệt trong luật để làm căn cứ quyết định cấp bậc hàm.

Một số ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng, số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng như quy định của Luật Công an nhân dân hiện hành, bảo đảm tương đương với quân hàm trong Quân đội nhân dân, phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị về phong, thăng quân hàm cấp tướng.

Theo UB Thường vụ Quốc hội, việc xác định vị trí chức vụ có cấp hàm cấp tướng phải gắn với yêu cầu chỉ huy, chỉ đạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tăng cường trách nhiệm, vinh danh, ghi nhận vai trò, vị trí của sĩ quan. Do đó, việc xác định vị trí cấp tướng có ý nghĩa quan trọng và được dư luận quan tâm.

Trong quá trình xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014, Bộ Chính trị đã nhiều lần cho ý kiến chỉ đạo cụ thể. Việc quy định vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng trong dự thảo luật cần nghiên cứu để quy định phù hợp với đề án đổi mới tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, đồng thời, cần tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong quá trình xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014.

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong luật, số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng.

Riêng đối với cục trưởng các cục thuộc lực lượng an ninh, tình báo, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, quy định khái quát như Luật Công an nhân dân hiện hành để bảo đảm yêu cầu về tính chất hoạt động của lực lượng.

Dự thảo luật cũng đồng thời bỏ quy định về cục đặc biệt tại các điều khoản liên quan.

Giám đốc công an tỉnh là Thiếu tướng sẽ làm “đội” số lượng cấp tướng

Về vị trí chức vụ cục trưởng và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉ đạo xác định với một số nguyên tắc.

Thứ nhất, kế thừa quy định của Luật Công an nhân dân năm 2014 đối với các cục và tương đương không có thay đổi về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ hoặc có thay đổi theo hướng quy mô lớn hơn.

Thứ hai, đơn vị cấp cục có chức năng tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các Bộ ngành, địa phương

Thứ ba, cục nghiệp vụ có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ tư, đơn vị cấp cục có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng.

Tuy nhiên, theo UB Thường vụ Quốc hội, hiện nay Bộ Công an vừa triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ quy định về cơ cấu, tổ chức, bộ máy của Bộ Công an; đang tiến hành xây dựng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc. Do đó, đến thời điểm này chưa có căn cứ để xác định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng trong dự thảo Luật.

Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, UB Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn phối hợp chặt chẽ, sớm xác định cụ thể các vị trí chức vụ có cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng trong dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Ngoài nội dung trên, quy định về cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh cũng là vấn đề được giải trình.

Theo UB Thường vụ Quốc hội, việc xác định giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cấp tướng cần thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Hiện nay, Bộ Công an tổ chức lại bộ máy theo tinh thần nghị quyết số 22, theo đó, sẽ tăng thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh xuống công an cấp tỉnh. Do đó, một số tỉnh có nhu cầu cấp tướng để chỉ đạo điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, nếu giám đốc công an một số tỉnh có cấp bậc hàm thiếu tướng sẽ không bảo đảm tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh ở địa phương. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, số lượng tỉnh, thành phố được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 có thể sẽ tăng lên dẫn đến số lượng cấp tướng tăng.

Về vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền để quy định cho phù hợp, dự thảo báo cáo giải trình cho biết.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây