Theo tư liệu của Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại TPHCM, cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 tại cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hoà Hưng, Tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Từ tỉnh lẻ, chàng trai Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn học việc và làm thợ từ năm 18 tuổi. Đến năm 1912, ông tổ chức cuộc bãi khóa của học sinh trường Cơ khí Á Châu (còn gọi là trường Bá Nghệ - nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Phong trào này đã được công nhân Ba Son hưởng ứng.
Năm 1917, ông bị động viên sang Pháp làm lính thợ phục vụ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đến năm 1919, ông tham gia phản chiến và bị trục xuất khỏi nước Pháp, về Sài Gòn, thành lập Công hội bí mật, lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son vào tháng 8/1925. Từ đó đã bắt đầu cuộc đời đấu tranh cách mạng giành độc lập cho dân tộc của người chiến sĩ cách mạng kiên cường.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác Tôn từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, Tổng thanh tra Chính phủ, quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quyền Trưởng Ban thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…
Ngày 30/3/1980, Bác tôn qua đời tại Hà Nội.
Là địa phương mà Bác Tôn đã gắn bó trong nhiều năm đấu tranh thời tuổi trẻ, TPHCM lưu giữ nhiều kỷ niệm gắn với cuộc đời cách mạng của Bác Tôn. Do đó, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2018), TPHCM đã tổ chức nhiều sự kiện trang trọng.
Đầu tiên là triển lãm ảnh tại hàng loạt địa chỉ văn hóa như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Cung Văn hóa Lao động, công viên Chi Lăng… Triển lãm khai mạc từ ngày 17/8 với sự tham gia của nhiều lãnh đạo đảng bộ - chính quyền TP.
Sáng 18/8, tại Đường Sách TPHCM cũng đã diễn ra buổi giao lưu, tọa đàm về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các khách mời là ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng TPHCM và bà Tôn Tuyết Dung - con nuôi Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Ngoài chương trình giao lưu, tại Đường sách TPHCM còn có các hoạt động khác như: Triển lãm sách và ảnh tiêu biểu giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Tọa đàm, giới thiệu sách “Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930”; Đêm thơ nhạc Tôn Đức Thắng…
Chính quyền và đoàn thể các cấp tại TPHCM cũng tổ chức nhiều phong trào tìm hiểu về con người và sự nghiệp của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Trong đó, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại TPHCM (phường Bến Nghé, quận 1) là 1 trong những “địa chỉ đỏ” mà nhiều trường học, đoàn thể tổ chức đến tham quan, tìm hiểu. Bởi nơi đây còn đang lưu giữ rất nhiều kỷ vật và hình ảnh về cuộc đời của Bác Tôn .
Bản danh sách các tù nhân chính trị, trong đó có Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Mô hình chiếc ca nô chở Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ côn đảo trở về đất liền.
Kính và bút của Bác Tôn.
Tác giả: Nguyễn Quang
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn