Vạch tuyến, đọc bản đồ, đào tạo kỹ sư mở đường
Không trực tiếp cầm cuốc, xẻng đào đất, mở đường nhưng ông Nguyễn Văn Tấn (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) lại có công trong việc đọc bản đồ, vạch tuyến, đào tạo hàng trăm kỹ sư trong nhiều năm để phục vụ tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Năm 1953, chưa đầy 20 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Văn Tấn tự nguyện tham gia đội TNXP. Ròng rã 1 tháng 16 ngày đi bộ xuất phát từ Sao Vàng (Thọ Xuân) mới lên được Tây Bắc. Nơi ông đóng quân là đơn vị 40, C417 – Đơn vị tiền trạm, tiền phương ở Tuần Giáo (Lai Châu cũ).
Sau một thời gian làm nhiệm vụ tuần giáo, chỉ đường, ông Tấn may mắn được chọn đi học nghiên cứu về thủy văn, khảo sát địa hình, được các chuyên gia nước ngoài đào tạo. Trong thời điểm đó, cuộc chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh diễn ra ngày càng quyết liệt, vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách được đặt ra là phải tiến hành huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư trung cấp lâu năm để làm các công trình dã chiến, tham mưu khảo sát địa hình.
Vậy là từ năm 1969-1973, ông Tấn được Viện Thiết kế- Bộ giao thông xin sang dạy cho lớp kỹ sư trung cấp lâu năm. Những kỹ sư này sau khi được đào tạo sẽ được đưa vào phía Nam tác nghiệp cho các công trình dã chiến của ta trên đường Hồ Chí Minh. Mỗi lớp kỹ sư được đào tạo 6 tháng.
Những năm đó, ông Tấn không nhớ có bao nhiêu kỹ sư được ông đào tạo để phục vụ đường Trường Sơn nhưng điều mà ông nhớ và day dứt là rất nhiều người sau đó ông nghe tin đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
“Đường mòn làm từ những năm 1959 để cho bộ đội vào nhưng những năm sau này, khoảng từ năm 1965 trở đi thì đường Trường Sơn mới được mở rộng ra để cho các xe vận tải pháo, vũ khí. Do được học về khảo sát địa bàn cũng như nắm vững bản đồ T27 của bộ đội nên tôi tham gia công tác cùng phòng thủy văn khảo sát địa bàn trên các tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ là đọc bản đồ, vạch tuyến, mình phải nắm được là trên đoạn đường đó cần bao nhiêu cầu, cống, đập tràn hay cầu to, cầu nhỏ…
Một trong những nguyên tắc khi mở đường là tránh đường thẳng, tránh suối to, dốc cao... và bảo đảm tuyệt đối bí mật, tôi cùng các anh em phải dựa vào bản đồ để xác định vị trí, phương hướng” – ông Tấn kể lại.
Ông tâm sự: “Ngày đó, bộ đội, TNXP khổ lắm, làm đường trong rừng sâu núi thẳm, cái gì cũng thiếu từ dụng cụ cho đến đồ ăn, nước uống. Trong khi đó, trên bom dưới đạn. Nhiều đơn vị chưa kịp làm gì đã hy sinh, những lớp kỹ sư tôi đào tạo cũng vậy, có những đồng chí còn chưa làm nhiệm vụ đã hy sinh trên đường đi rồi… Như đồng chí Dy quê ở Nghệ An, đồng chí Lê Khánh ở Ninh Bình, cậu ấy còn đưa tôi về thăm nhà. Thế mà học xong, được đưa vào Nam thì hy sinh”.
“Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”
Với TNXP Thanh Hóa thì nhiệm vụ chủ yếu là mở đường 20 Quyết Thắng và đường mòn Hồ Chí Minh. Trong đó, đường 20 - Quyết Thắng với chiều dài 125km, để hoàn thành cung đường, quân dân ta đã trộn lẫn biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt.
Đây là tuyến đường “huyết mạch”, đầu mối giao thông quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Bởi vị trí chiến lược và tầm quan trọng của nó, nên đây là một trong những trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ.
Với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, 33 nghìn TNXP, bộ đội, công dân hỏa tuyến là người con Thanh Hóa đã có mặt trên trận địa giao thông nóng bỏng Trường Sơn.
Cựu TNXP Lê Mạnh Dũng - Đơn vị C211 nhớ rõ: “Những địa danh như cua chữ A, dốc Ta Lê, dốc Ba Thang, đường 20 Quyết Thắng... là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Có đợt chúng ném bom suốt 87 ngày đêm không nghỉ, khiến cho hàng trăm chiến sỹ của ta bị thương và hy sinh. Khốc liệt nhất, tại Km 16 + 200, ngày 14/11/1972, trong trận ném bom của giặc Mỹ đã làm sập cửa một hang đá khiến 8 TNXP cùng 5 chiến sỹ binh chủng pháo binh đã anh dũng hy sinh (nay là di tích lịch sử Hang 8 cô)”...
Thế nhưng những khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng”... đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần, tạo thành sức mạnh làm nên những chiến thắng huyền thoại.
“Cứ ngày làm đường, đêm ứng cứu giao thông, ban đêm chỉ cần nghe tiếng súng bắn báo hiệu của bộ đội là biết có xe đi qua vùng sạt lở, anh em chúng tôi lại cuốc, xẻng lên đường trắng đêm luôn.
Hòa bình đã lâu, thế nhưng cựu TNXP Lê Mạnh Dũng vẫn không thể nào xóa bỏ những ám ảnh thời chiến: “Đó là trận cao điểm đánh phá B52 của giặc Mỹ, trước thông báo của Ban chỉ huy tuyến, tất cả các đơn vị đóng gần khu vực, tuyến đường 20 phải sơ tán. Sau đêm thứ nhất, đêm thứ 2 là loạt bom B52 xối xả của giặc trút xuống.
Khi ấy, tất cả mọi người đều la lớn: “B52! Chạy! chạy!”... Riêng đơn vị tôi có 3 đồng chí Lan, Sặng, Sen bị thương và hy sinh. Chị Sặng bị thương ở đầu, Lan bị đứt một tay, một chân còn Sen thì hy sinh tại chỗ... Trong đó, chị Nguyễn Thị Sặng là Y tá - người Phú Sơn, TP Thanh Hóa mình. Khi bị trúng bom bi của giặc, chị còn không biết. Vẫn miệt mài lo cứu thương cho các đồng đội đến khi giặc rút, bom thôi, về đến đơn vị thì cũng là lúc chị ngã gục. Chị được đưa ra trạm xá, 3 ngày sau thì hy sinh”.
Ông Dũng cũng ngậm ngùi khi cho biết rằng, 3 nữ liệt sỹ ấy vẫn chưa ai có chồng, đều là những thanh niên 18, đôi mươi lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Cũng cùng đơn vị với ông Dũng, ông Nguyễn Hữu Mỡn lúc bấy giờ là chính trị viên Đại đội TNXP. Kể về những năm tháng mở đường ấy, ông Mỡn không khỏi xúc động. Ngoài 80 tuổi, ông vẫn nhớ như in cung đường mà ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ. Con đường 20 Quyết Thắng có những vùng trọng điểm Mỹ đánh phá ác liệt như KM số 0, dốc Đồng Tiền (km 13-km16); dốc Ba Thang, cua chữ A, ngầm Ta Lê…
Đơn vị ông nhận nhiệm vụ hạ độ cao của dốc Ba Thang từ (Km 17-Km21) xuống cốt để cho xe vượt lên an toàn. Đó là một con dốc cao ngút ngàn với độ cao được ví như chồng ba cây thang.
“Đặc biệt, đây là điểm mà hầu như ngày nào máy bay Mỹ cũng đánh, ấy vậy mà thời đó tinh thần của anh em TNXP là tinh thần thép, trên bom dưới đạn là thế nhưng khi chúng đi thì anh em lại tiếp tục công việc mở đường. Trận đánh khiến ba nữ liệt sỹ trong đơn vị là Lan, Sen, Sặng hy sinh thế nhưng anh em không vì thế mà nản lòng, vẫn kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Con đường làm nên chính là kỳ công, kỳ tích của lực lượng bộ đội và TNXP…” – ông Mỡn tự hào.
Bình Minh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn