Hơn “1 vạn đóa hoa” tỏa ngát Trường Sơn
Những ngày này, các đoàn cựu chiến binh từ khắp mọi miền trở về với “đất thiêng” Quảng Trị, đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn để tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; hiện là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.200 mộ liệt sĩ.
Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng phê chuẩn dự án xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc, đã anh dũng chiến đấu, hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn.
Bộ Tư lệnh đoàn 559 là đơn vị chỉ huy xây dựng nghĩa trang. Với ý nghĩa đó, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước.
Đến dâng hương tri ân các đồng đội đã ngã xuống và hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang, nhóm cựu chiến binh, TNXP Bộ đội Trường Sơn tại Quảng Trị trào dâng xúc động.
Ông Lê Hữu Hoành – nguyên cán bộ Binh đoàn 12 Bộ đội Trường Sơn xúc động: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đóng góp một phần vào thắng lợi chung. Trong đó, có hơn 1 vạn bộ đội, 2 vạn TNXP nhưng đến hôm nay có một số không được trở về. Hôm nay, chúng tôi đến dâng hương tưởng nhớ đồng đội. Chúng tôi nguyện làm hết sức mình làm tròn nhiệm vụ của người còn sống, giáo dục thế hệ trẻ phát huy những gì bộ đội Trường Sơn đã làm được".
Tri ân những cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, hơn 1 vạn phần mộ các anh hùng, liệt sĩ đã được đặt lên những cánh hoa sen tươi mới. Đây cũng là những bông hoa tỏa ngát dãy Trường Sơn, đóng góp vào chiến thắng của cả dân tộc.
Con đường của khát vọng hòa bình
Được sự giúp sức, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô tại Quảng Trị, Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) đã bí mật mở các cung đường, thành lập các trạm kiểm soát, bảo vệ... để phục vụ việc chi viện cho chiến trường.
Với tính chất đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng của tuyến đường chiến lược, đường Hồ Chí Minh, Đoàn công tác đặc biệt do Thượng tá Võ Bẩm làm trưởng đoàn đi khảo sát đã chọn Khe Hó (huyện Vĩnh Linh) làm điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải quân sự trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
Từ năm 1959, những chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam.
Ông Lê Hữu Hoành – Binh đoàn 12 Bộ đội Trường Sơn nói, lúc ấy ông còn trẻ, được nhận nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ là mục tiêu cuối cùng. Hồi đó, ông công tác tại Binh trạm 2, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Minh Hóa về đèo Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, Long Đại (Quảng Bình) rồi Quảng Trị, đảm bảo cho chiến trường.
Ông Dương Đình Dược (74 tuổi, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn) nhớ lại, khi đang học sư phạm đến 16 tuổi ông theo phong trào tình nguyện của Đoàn đi TNXP, thuộc Ban 67 dưới sự quản lý của Binh trạm 12. Tiếp đó, ông Dược được đào tạo công binh tham gia mở đường. Những năm sau đó, ông tham gia cùng lực lượng Bộ đội Trường Sơn đi mở đường 16, sau chuyển sang Savanakhet mở con đường vận chuyển về sông Sê Băng Hiêng, Mê Kông…
“Thời kỳ đó rất vất vả, bom đạn quân thù ác liệt nhưng vẫn cố gắng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Kiên trì rà phá bom mìn, đảm bảo an toàn cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa vào chiến trường”.
Ông Dược nhớ lại những năm tháng khốc liệt ở khu vực cầu Khỉ, đèo 1001 ở Ho – Bang (Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Bom đạn địch bắn phá dữ dội hòng cắt đường chi viện của ta vào chiến trường. Địch bắn phá cả ngày lẫn đêm nhưng ông vẫn cùng đồng đội ra sức đảm bảo lưu thông cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra chiến trường đầy đủ.
Ông Nguyễn Hữu Quỳnh – nguyên chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn (đơn vị K300 Đoàn 559) hiện sống tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh cho biết, trong những năm kháng chiến ông làm nhiệm vụ khảo sát từ Khe Hó đến Vĩnh Ô, tham gia vận chuyển hàng hóa chi viện, đưa đón cán bộ ra vào. Để đưa được hàng hoá: gạo, súng đạn, lương thực thực phẩm bằng cách gùi cõng ra chiến trường. Một thời gian sau, ông chuyển sang đơn vị trinh sát Đoàn 559. Năm 1968 đặc khu Vĩnh Linh điều ông ra làm công tác tham mưu.
Chiến tranh đi qua, con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng, quật cường của dân tộc. Trong thời kỳ hòa bình, con đường ấy vẫn phát huy vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế đất nước.
Đăng Đức
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn