Vượt mốc 10.000 doanh nghiệp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 10 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xác định đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, như: Giảm 30- 50% thời gian cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư so với quy định của Luật Đầu tư; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; trả ngay hồ sơ trong ngày đối với một số trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi có đủ hồ sơ hợp lệ; minh bạch cơ chế, chính sách, quy hoạch và thủ tục hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hàng chục hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài hướng đến các thị trường uy tín, chất lượng, giàu tiềm năng. Cùng với hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tỉnh luôn chú trọng thực hiện xúc tiến đầu tư tại chỗ, coi đây là một trong những kênh quan trọng lan tỏa hình ảnh Vĩnh Phúc thân thiện, an toàn, điểm đến thành công với các nhà đầu tư, thông qua nhiều hoạt động như: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch, cung cấp nguồn lao động tay nghề cao. Đồng hành chia sẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Duy trì đối thoại gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc với doanh nghiệp vào chiều thứ 6 hằng tuần để kịp thời lắng nghe và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh trực tiếp tới doanh nghiệp thăm hỏi các ngày lễ, Tết và động viên doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm…
Nhờ đó, tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều tăng trưởng khá qua từng năm, 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có gần 600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 4.300 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 10.100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký hơn 93 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh có 10 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020; trong đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh đạt gần 72% tổng số doanh nghiệp.
Tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ
Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế Vĩnh Phúc đã ghi nhận mức tăng kỷ lục từ năm 2015 đến nay, với tốc độ tăng tổng sản phẩm GDP đạt trên 8,5%, tăng trên 1,2% so với năm 2015. Trong đó, ngành công nghiệp- xây dựng có mức tăng cao nhất với con số trên 14% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt giá trị sản xuất gần 107 nghìn tỷ đồng. Các ngành dịch vụ tăng gần 6,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 21 nghìn tỷ đồng. Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh, ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, đặc biệt là ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi đối với ngành chăn nuôi, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng trên 1,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt giá trị sản xuất gần 6.000 tỷ đồng...
Kết quả trên phản ánh những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá và hiệu quả” trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2019. Phương châm ấy đã được tỉnh Vĩnh Phúc cụ thể hóa vào điều kiện thực tế ở địa phương bằng rất nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả. Trong đó, tập trung xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng quý; tổ chức tốt các chương trình xúc tiến đầu tư, chú trọng đến xúc tiến đầu tư tại chỗ; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên theo dõi sát hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, duy trì thị trường truyền thống, đồng thời liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, đẩy mạnh xuất khẩu…
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp và bước đi phù hợp, đưa kinh tế Vĩnh Phúc vươn tới những mục tiêu mới, cao hơn, xa hơn. Từng bước hoàn thành sứ mệnh xây dựng thành phố Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, đáng sống; một trong những địa phương giàu có phồn vinh nhất miền Bắc như Bác Hồ đã căn dặn.
PV
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn