Sáng 12/8, báo cáo về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề cập vấn đề bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng của cơ quan được kiểm toán. Ông Hải cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, có ý kiến tán thành bổ sung quyền này nhưng đề nghị quy định chặt chẽ để bảo đảm bí mật của đơn vị được kiểm toán. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện về trình độ và phân quyền truy cập phù hợp với từng cấp độ kiểm toán viên, ý kiến khác đề nghị không nên giao quyền truy cập cho kiểm toán vì liên quan đến an ninh, tài liệu mật, tối mật.
Thường trực UB Tài chính - Ngân sách thống nhất việc cho phép Kiểm toán Nhà nước được truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng. Tuy nhiên dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật đồng thời việc truy cập đòi hỏi trình độ nhất định về công nghệ thông tin nên để quản lý, giám sát kiểm toán viên và truy cứu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, sự cố thì cần quy định điều kiện về trình độ và phân quyền truy cập phù hợp với từng cấp độ kiểm toán viên.
Trong dự thảo luật, Kiểm toán Nhà nước bổ sung thêm nội dung quy định Kiểm toán nhà nước, kiểm toán viên nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính bảo mật nhưng chưa quy định điều kiện về trình độ và phân quyền truy cập phù hợp.
Góp ý nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, truy cập Quốc hội điện tử hay Chính phủ điện tử thì toàn dân truy cập được, đó là bình thường. Kiểm toán Nhà nước có quyền truy cập những nơi mà người khác không truy cập được thì phải làm rõ là quyền này đến mức nào. Ông Hiển gợi ý về quyền truy cập khi có biểu hiện trốn thuế hay có biểu hiện làm sai quy định về tài chính nhưng không được truy nhập thường xuyên để tránh ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của công dân.
Một nội dung khác cũng còn nhiều băn khoăn là quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. UB Tài chính – Ngân sách cho rằng, quy định này tại dự thảo luận hiện chưa rõ ràng và mở rộng đối tượng kiểm toán so với quy định tại điều 4 Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành, đặc biệt là sẽ bao gồm các tổ chức là doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước.
Theo cơ quan thẩm tra, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động kiểm toán phải là các tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định được trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và cho rằng các tổ chức, cá nhân đó có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, có những nội dung cần làm rõ để xác nhận, đánh giá và kết luận, kiến nghị về đơn vị được kiểm toán.
Lãnh đạo UB Tài chính - Ngân sách cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để cùng cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng bổ sung nội dung để làm rõ khái niệm tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán trên nguyên tắc bảo đảm điều kiện các tổ chức, cá nhân này là tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
Đồng thời, bổ sung quy định để làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyền hạn, phạm vi, trách nhiệm, trình tự, thủ tục của Kiểm toán Nhà nước khi kiểm tra, đối chiếu đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần cân nhắc để quy định nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán phải khác chứ không thể ngang với đơn vị được kiểm toán.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cảnh báo, không quy định rõ thì dễ bị lạm dụng, nếu tự dưng Kiểm toán nhà nước "xông vào" kiểm toán một đơn vị tư nhân là sai.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật sẽ lại được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm nay.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn