Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu thông tin đó tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều tối 5/2/2020.
Thông tin về nội dung phiên họp thường kỳ tháng 1 của Chính phủ, Bộ trưởng cho biết, các thành viên Chính phủ đánh giá cao nỗ lực chống dịch của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong việc chống dịch.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện việc công bố dịch. Trước đó, Việt Nam chưa có tiền lệ. Dù đã nhiều WHO công bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, Việt Nam vẫn chưa công bố. Với dịch bệnh này, sau khi 3-4 địa phương có người nhiễm bệnh, Thủ tướng đã quyết định công bố dịch.
Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh việc chấp nhận thiệt hại về kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng của người dân.
Các giải pháp chống dịch được tiến hành đồng bộ, mạnh mẽ suốt tháng qua. Bộ trưởng điểm lại hàng loạt cuộc họp với một chùm văn bản chỉ đạo dày đặc được ban hành. Thủ tướng đã có 2 chỉ thị mạnh 05, 06, công điện 156… với những giải pháp đồng bộ, cả vĩ mô, vi mô. Như vậy, công văn số 79 của Ban Bí thư, yêu cầu huy động tất cả các lực lượng chính trị xã hội tham gia vào hoạt động chống dịch, vừa tập trung điều hành kinh tế xã hội đảm bảo các mục tiêu của năm 2020 sao để thắng lợi hơn, toàn diện hơn năm 2019.
Người phát ngôn Chính phủ khái quát, đánh giá của WHO, đánh giá của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch corona cho thấy Việt Nam là nước có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nhất nếu không cẩn thận vì có hơn 1000km đường biên giới với Trung Quốc, có giao thương thương mại lớn, có lượng lao động làm việc ở nước bạn cao… Việt Nam sẽ gánh hậu quả lớn nếu khinh xuất trong việc phòng chống dịch. Vì vậy, các giải pháp đưa ra đều ở mức ứng phó cao.
Theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại có 10 người nhiễm bệnh xác định tại Việt Nam, chữa khỏi cho 3 người. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, mừng nhất là chưa có ai diễn tiến nặng, tử vong.
Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn nhấn mạnh là diễn biến dịch bệnh còn phức tạp nên không được chủ quan, lơ là nhưng cũng không dao động, hoang mang vì bệnh lây truyền lớn nhất cũng chính là hoang mang. Thủ tướng lưu ý, phải định hướng dúng thì mới xử lý đúng vấn đề.
Trong chống dịch, có thể có những vấn đề phát sinh liên quan với đối ngoại nên nội dung này cũng được Thủ tướng lưu ý với tinh thần phải thực hiện đầy đủ và chuẩn mực các cam kết quốc tế. Vấn đề vận hành ở đường biên giới, hàng không, giao dịch thương mại… đều phải có sự trao đổi cụ thể, chi tiết qua lại.
Người phát ngôn Chính phủ thông tin, kịch bản phát triển kinh tế xã hội mới được đưa ra là, nếu khống chế được dịch trong quý I thì tăng trưởng cả năm sẽ ở mức 6,27%, còn nếu trong quý II mới khống chế được thì chỉ còn 6,09%, tức là thấp hơn chỉ tiêu được giao (7%) rất nhiều.
Thông tin về tình hình kinh tế xã hội, người phát ngôn Chính phủ khái quát nhiều thông tin vui. Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu kinh tế xã hội giảm so với cùng kỳ là do ảnh hưởng của dịch bệnh phức tạp. Nhiều khoản thu nội địa đạt thấp vì tháng 1 trùng vào dịp Tết, cả Tết dương lịch và âm lịch nên thậm chí cả nước đã xuất hiện hiện tượng nhập siêu. Chỉ số CPI năm 2020 đến thời điểm này đã tăng 1,23% và tăng 6,47% so với cùng kỳ 2019. Đây là mức tăng rất cao trong nhưng năm gần đây.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, sau khi kiểm soát dịch thành công phải tập trung điều hành, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng đã đặc biệt yêu cầu phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động để khôi phục, thúc đấy sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh.
Tinh thần điều hành quan trọng của lãnh đạo Chính phủ là khó khăn cũng không đặt vấn đề điều chỉnh, hạ các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Chính phủ sẽ vận dụng các chính sách vĩ mô để ứng phó kịp thời với tình hình bất lợi về dịch bệnh.
Thủ tướng quyết định miễn thuế với các nguyên liệu để sản xuất khẩu trang phục vụ phòng chống dịch cũng như thuốc sát trùng và các hàng hóa khác.
Dịch bệnh ảnh hưởng rất nghiêm trọng
Thứ trưởng KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cũng cho biết, từ 2016 đến nay Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế hàng quý để phục vụ cho công tác điều hành của Chính phủ.
Các kịch bản này là dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý. Trong bối cảnh diễn ra bình thường thì kịch bản diễn ra theo chiều hướng chúng ta dự báo. Còn trong điều kiện tốt hơn tốc độ tăng trưởng cao hơn và ngược lại. Tùy theo tình hình mà bộ có tham mưu Chính phủ có giải pháp phù hợp đảm bảo đúng mục tiêu tăng trưởng đề ra.
“Sáng nay Bộ KH-ĐT phối hợp bộ ngành xây dựng dự báo đánh giá tác động dịch tới tăng trưởng kinh tế trên cơ sở các số liệu tháng 1. Theo tính toán của Bộ, mức độ ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Trong trường hợp dịch được kiểm soát trong quý 1 thì tăng trưởng còn 6,27%. Còn dịch kéo dài trong quý 2 thì nguy cơ giảm tăng trưởng sâu hơn đạt 6,09%” - Thứ trưởng Phương nói.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, đây chỉ là con số ước tính, dự báo, còn tùy thuộc vào tình hình và tác động của chính sách điều hành.
Về khả năng áp dụng các gói hỗ trợ kinh tế sau khi xử lý dịch bệnh, ông Phương cho hay, đây là một trong những chính sách để khắc phục và phục hồi tăng trưởng.
Thứ trưởng Phương thông tin, Bộ KH-ĐT đã đề ra 2 giải pháp rõ ràng: trước mắt tập trung ưu tiên phòng chống dịch, kiểm soát dịch bệnh; sau đó giải pháp khắc phục thiệt hại và phục hồi sản suất kinh doanh. Các gói hỗ trợ cũng là một phương án tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào nguồn lực của Việt Nam có bao nhiêu và đối tượng hỗ trợ như thế nào.
Ông dẫn chứng, trước mắt, nông dân trồng thanh long, dưa hấu đang chịu thiệt hại từ tác động của dịch virus corona cũng có thể giống như dịch tả lợn châu Phi trước đây, thì mức hỗ trợ thế nào cần tính toán cụ thể để phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng.
Ngoài ra, ông Phương cũng lưu ý, các bộ ngành, địa phương thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Hiện nay điều kiện giải ngân tốt hơn năm ngoái, các địa phương hoàn thành thủ tục giải ngân đưa các dự án vào hoạt động để góp phần vào tăng trưởng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm, với tình hình hiện nay chưa đặt vấn đề các gói hỗ trợ. Nếu dịch bùng phát phức tạp hơn thì sẽ tính toán cân nhắc, còn hiện nay chưa đến mức.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn