Đây là vấn đề được nêu ra tại cuộc họp sáng 6/2 của Tổ công tác của Thủ tướng với 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và có hiệu lực pháp luật từ 1/7/2020.
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ nhận định, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật ngày càng gia tăng. Năm 2017 là năm không nợ đọng văn bản quy định chi tiết nào nhưng đến năm 2018 và 2019 số nợ đọng gia tăng. Đến nay, các bộ, cơ quan Chính phủ, Thủ tướng đang còn nợ đọng 24 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 (bao gồm 21 nghị định, 3 thông tư).
24 văn bản nợ đọng này thuộc trách nhiệm của 6 bộ, trong đó riêng Bộ Công an đã có 15 văn bản (12 nghị định, 3 thông tư), Bộ Công Thương 4 nghị định, Bộ KH-ĐT 2 nghị định, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, mỗi cơ quan 1 nghị định.
Phần việc của Bộ Công an được đánh giá là nặng nề, lý do bởi trong năm 2019, Bộ này phải làm nhiều luật, trong đó có những luật rất khó, mới, nhạy cảm, cần đầu tư nhiều thời gian như luật An ninh mạng
Văn phòng Chính phủ nêu “hạn chót” phải thanh toán, ban hành 24 văn bản nợ đọng này là trước 15/4. Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng về quyết tâm của các bộ cũng như các giải pháp giải quyết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đòi hỏi tinh thần xử lý văn bản nợ đọng quyết liệt như chống dịch corona hiện nay, nghĩa là cũng phải “tuyên chiến” với tình trạng này theo tinh thần… đánh giặc.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh – Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (V19), Bộ Công an thông tin, nhiều văn bản trong nhóm nợ đọng của Bộ này hiện đã hoàn thành, chỉ còn vướng việc xin ý kiến của các bộ ngành liên quan. Dự kiến, trong tháng 3/2020, một nửa số văn bản sẽ được gửi tới Chính phủ.
Trình bày những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh than: “Có lẽ vướng mắc lớn nhất, tồn tại bao nhiêu năm qua là trách nhiệm tham gia phối hợp xây dựng văn bản của các bộ, ngành chưa thực sự cao. Đơn cử, Bộ Công an đề nghị một số cơ quan đồng cấp cử người tham gia xây dựng với những văn bản có liên quan đến trách nhiệm của bộ, ngành đó hàng tháng trời cũng không gửi. Có 1 thông tư, Bộ Công an đã gửi văn bản xin ý kiến từ cuối tháng 10/2019, đề nghị gửi kết quả trước 15/11/2019 nhưng đến hết 31/12 năm đó, rồi tới… hôm nay (6/2/2020) mà vẫn chưa nhận được hồi âm của cơ quan có trách nhiệm phối hợp”.
Cục trưởng V19 dẫn chứng, nghị định quy định về việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại đang phải xây dựng cho kịp thời hạn luật Thi hành án hình sự sửa đổi có hiệu lực vào 1/7 tới, cần phải có báo cáo tổng kết thực tiễn công tác thi hành án nhưng vì việc quy trách nhiệm hình sự với pháp nhân chưa từng có trước đây nên các cơ quan đều… tắc. Bộ Tư pháp cũng đã nỗ lực nhưng việc thẩm định văn bản rất khó khăn. Theo đó, để có bộ hồ sơ hoàn chỉnh cho nghị định này không đơn giản.
“Trung tướng phải trực tiếp gọi điện hết chỗ này, đến chỗ nọ để... xin ý kiến. Đến khi các cơ quan liên quan có ý kiến thì cũng rất gọn là… đề nghị tổng kết thực tiễn, dự báo để có văn bản phù hợp với thực tiễn” – Cục trưởng Nguyễn Ngọc Anh than.
Lời hứa đầu năm của Trung tướng công an
Ông Ngọc Anh đề nghị Tổ Công tác báo cáo với Thủ tướng, đề xuất khi giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các bộ, ngành phải gắn trách nhiệm cụ thể là văn bản xin ý kiến thì phải có hạn định trong bao nhiêu ngày phải trả lời, nếu không, sau cũng không ai kiểm điểm, không ai làm. Như thế không khác gì… đánh đố cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản vì nhiều vấn đề thuộc những lĩnh vực chuyên môn rất sâu.
“Còn về phần mình, tôi xin nhận khuyết điểm trong việc đôn đốc nội bộ chưa được tốt. Sau cuộc hôm nay, xin hứa với Tổ Công tác, những gì còn nợ sẽ hoàn thiện” – Tướng Ngọc Anh quả quyết.
Nhận được đề nghị cam kết “trả hết nợ” chậm nhất là vào 15/4, Cục trưởng V19 Bộ Công an một lần nữa khẳng định: “Tôi đứng lên là xin cam kết thực hiện, lời hứa đầu năm”.
Ghi nhận ý kiến của đại diện Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa – thành viên Tổ công tác của Thủ tướng thừa nhận khâu yếu hiện nay là khâu phối hợp, chậm ngay từ việc cử người phối hợp.
“Tôi dự họp rất nhiều cuộc thì thấy hầu như là vắng, người được cử đến được khoảng 50% là hiếm lắm” - ông Thừa nói.
Theo ông, nếu các cơ quan cử người đi thay và người đó có trách nhiệm thì càng tốt, vì nhiều khi thứ trưởng, vụ trưởng chưa chắc nắm chắc vấn đề bằng chuyên viên làm trực tiếp.
“Tôi nhớ Thủ tướng, Phó Thủ tướng nói nếu nắm chắc vấn đề thì hãy đi. Vì vậy đề nghị các bộ, ngành uỷ quyền cán bộ tham dự họp thì có văn bản xin ý kiến, và phải cử có hiểu biết sâu chứ không nhất thiết cứ phải cử Thứ trưởng đi cho đẹp đâu” - ông Thừa nhấn mạnh.
Ông kể, trước kia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hay bây giờ Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đều lưu ý mời họp nên mời những người trực tiếp làm đến dự và cho ý kiến.
Về việc gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan liên quan, ông Thừa đề nghị tóm lược và chỉ rõ cần xin ý kiến những nội dung nào chứ không phải gửi sang cả tập tài liệu dày nửa gang tay với mấy chục vấn đề.
Để tăng cường trách nhiệm phối hợp của các bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng phụ trách các bộ gọi và triệu tập các bộ lên họp để đôn đốc.
Nếu Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp thì sẽ làm được.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn