Theo báo cáo tổng kết 5 năm (2013-2018) thi hành Nghị định số 169/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được Bộ Quốc phòng gửi tới Bộ Tư pháp, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, các nước trong và ngoài khu vực đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược, tăng cường “can dự” vào vấn đề Biển Đông.
Hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam để khai thác thuỷ sản, tài nguyên có chiều hướng gia tăng.
Trong khi đó, hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh, ra vào các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu chế xuất trong khu vực biên giới biển tiến hành các hoạt động lôi kéo, kích động gây mất ổn định về an ninh trật tự ở khu vực biên giới nhằm chống phá vẫn thường xảy ra.
Báo cáo đánh giá, tội phạm hình sự, vi phạm hành chính, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia như mua bán, vận chuyển ma tuý có vũ khí, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới, vận chuyển và lưu hành tiền giả,… vẫn diễn biến phức tạp.
Trên biển nổi lên hoạt động tranh chấp ngư trường, buôn lậu dầu, khoáng sản, tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, tàu cá Việt Nam vi phạm về khai thác thuỷ sản tại các vùng biển các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực.
Theo tổng kết của Bộ Quốc phòng, đã phát hiện, xử phạt 17.280 vụ/22.780 đối tượng vi phạm hành chính trên các lĩnh vực Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền xử phạt. Tịch thu, tiêu huỷ nhiều tang vật, phương tiện vi phạm và thu nộp ngân sách nhà nước trên 232 tỷ đồng.
Ngoài ra đã áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả với 505 trường hợp; áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính gần 6.500 trường hợp; số vụ chuyển cơ quan khác xử lý trên 1.800 vụ/4100 đối tượng…
Bộ Quốc phòng đánh giá quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định 169/2013 và quy định xử phạt vi phạm hành chính tại một số văn bản có liên quan được áp dụng đối với hành vi vi phạm xảy ra tại khu vực biên giới chưa có sự thống nhất, dẫn đến lúng túng trong quá trình áp dụng.
Quy định chức danh có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia chưa thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở nhiều địa phương, cơ sở chưa thường xuyên, mới dừng lại ở từng đợt cao điểm.
“Đối tượng thực hiện các vi phạm hành chính với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, cấu kết chặt chẽ thành tổ chức từ nội địa ra biên giới, thậm chí ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên ở khu vực biên giới, khoảng trống pháp luật và sơ hở của lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi phạm vi phạm. Nhiều hành vi vi phạm liên quan đến hai bên biên giới và trên các vùng biển”- Bộ Quốc phòng nêu thực tế.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là cấp uỷ, người chủ trì một số cơ quan, đơn vị còn thiếu quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác xử lý vi phạm hành chính.
Công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong phòng, chống vi phạm hành chính ở khu vực biên giới (công an, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển, quản lý thị trường,…) có thời điểm chưa nhịp nhàng, chưa có chiều sâu, nhiều khi mang tính hình thức, đùn đẩy trách nhiệm khi có vụ việc xảy ra.
Chính vì thế, Bộ Quốc phòng đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần tiến hành rà soát Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực để đề xuất sửa đổi, giải quyết những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong quá trình thực hiện, khắc phục chồng chéo, trùng lặp về hành vi vi phạm, thẩm quyền xử phạt giữa các lực lượng tại khu vực biên giới, vùng biển.
Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn