Ngược lại, trong nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa XII cũng có một số cán bộ bị xử lý, thậm chí xử lý về hình sự, trong đó cả ủy viên Bộ Chính trị. Đó là những bài học cho việc chuẩn bị công tác nhân sự khóa XIII tới đây của Đảng.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên nêu vấn đề này tại hội nghị báo cáo viên Trung ương thông báo kết quả hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương khóa XII diễn ra sáng 27/5 về phương hướng công tác nhân sự khoá XIII.
Giữ cơ cấu 17-19 ủy viên Bộ Chính trị khóa mới
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin, trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, Trung ương thống nhất nhận định, số lượng và cơ cấu Trung ương khóa XIII phải hợp lý để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Theo đó, Trung ương thống nhất sẽ tăng ủy viên Ban chấp hành Trung ương ở những địa bàn công tác trọng yếu, chú ý tăng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số.
Trung ương khóa XIII sẽ có 3 độ tuổi, dưới 50, từ 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên. Trung ương chủ trương phấn đấu để trong Ban Chấp hành khóa tới, độ tuổi dưới 50 chiếm khoảng 15 - 20%; độ tuổi từ 50 - 60 khoảng trên dưới 70% và độ tuổi từ 61 trở lên trên dưới 10.
Bên cạnh đó, trường hợp đặc biệt, cần thiết tái cử Trung ương khóa mới không nằm trong độ tuổi quy định thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ xem xét kỹ lưỡng và trình để Trung ương quyết định.
Ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đây cũng là bài học rút ra từ công tác nhân sự Đại hội Đảng XII cũng như các khóa trước. Đó là việc vận dụng độ tuổi với một số ủy viên Trung ương phải thật sự linh hoạt, vì yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình đất nước để quyết định.
Ông cũng khái quát, Trung ương khóa XIII có trường hợp đặc biệt hay không, bao nhiêu trường hợp đặc biệt… là những câu hỏi được cán bộ đảng viên, người dân đặc biệt quan tâm. Bài học từ khóa XII cho thấy, nếu thực hiện một cách xơ cứng quy định về độ tuổi trong Trung ương thì một số ủy viên Trung ương cao tuổi sẽ không được tái cử.
“Trong khóa XII này, một số lãnh đạo được xem là trường hợp đặc biệt được Ban chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu tại Đại hội XII đã quyết định thì thấy hầu hết các nhân sự đã thể hiện rất xuất sắc trong công việc. Đặc biệt là người đứng đầu - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc. Tổng Bí thư là trung tâm đoàn kết của Ban chấp hành Trung ương để lãnh đạo tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quyết định nhiều vấn đề chỉ đạo điều hành của đất nước nên cả nước đã gặt hái được những thành quả lớn” – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo phát biểu.
Từ đó, ông Diên cho rằng, nếu như Ban chấp hành Trung ương, Đại hội lựa chọn được những người tái cử trong trường hợp đặc biệt để đảm đương vị trí chủ chốt của Đảng, Nhà nước thì sẽ rất vững vàng, để đưa đất nước vượt qua khó khăn.
Ông Diên cũng thông tin, Trung ương thống nhất trình Đại hội XIII về số lượng khoảng 200 người, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết, số lượng bằng khóa XII. Về số lượng ủy viên Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất chủ trương cố gắng giữ như khóa XII, từ 17 - 19 ủy viên, Ban Bí thư từ 12 - 13 ủy viên.
Ban chấp hành Trung ương cũng quyết định tổng số đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là 1.590 người.
Thông tin thất thiệt gây khó công tác nhân sự, bất ổn trước Đại hội
Cụ thể về phương hướng nhân sự khóa sau, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, Trung ương quán triệt tinh thần chủ động nắm chắc và dự báo trước tình hình có thể phát sinh đối với nhân sự để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Với nhân sự không có trong quy hoạch mà đột nhiên xuất hiện, được số đông người giới thiệu thì phải nghiên cứu, xem xét.
Ông đối chiếu với bài học từ nhiệm kỳ khóa XII, có một số cán bộ bị xử lý, thậm chí xử lý về hình sự, trong đó cả ủy viên Bộ Chính trị.
Từ đó, Trung ương nhận thức rõ và đặt ra yêu cầu rất nghiêm trong công tác nhân sự khóa XIII.
Nguyên tắc đánh giá cán bộ là phải xuyên suốt, nhiều chiều, qua sản phẩm thực tế. Cụ thể việc đánh giá cán bộ không chỉ đánh giá định tính mà phải có định lượng xem hiệu quả công tác mà người này đảm nhiệm.
Theo ông Diên, Trung ương cũng lưu ý, phải tỉnh táo đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đập tan âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, tung tin giả gây hoang mang, nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, tác động xấu tới công tác nhân sự đại hội.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trước thềm Đại hội, có rất nhiều thông tin, ở các trang mạng xã hội, facebook cá nhân tung thông tin. Thậm chí ngay cả trang mạng có máy chủ nguồn nước ngoài, tung tin nói xấu Đảng, chế độ, nói xấu lãnh đạo.
Ông lưu ý, lãnh đạo có bị nói xấu cũng không vội lo vì có nhân dân đánh giá nhưng khi phản động khen ngợi thì phải hết sức cảnh giác vì kẻ thù mà khen thì rõ ràng cán bộ ta đi ngược đường lối, chủ trương.
“Không phải vì thông tin thất thiệt mà hoang mang, chia rẽ, làm bất ổn trước Đại hội, làm công tác nhân sự Đại hội gặp khó khăn” - ông Diên cảnh báo.
Ông Diên lưu ý, càng gần Đại hội, dù Trung ương, cấp có thẩm quyền chưa bàn bạc về chuyện phân công, điều động cán bộ nào nhưng các thông tin đã rò rỉ.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, các phương án nhân sự có thể mới chỉ là ý tưởng của cơ quan tham mưu thậm chí mới chỉ là suy nghĩ của cá nhân đã được vội nói ra, có thể chỉ vì khâu… oai nhưng gây nhiễu loạn thông tin, rối loạn tình hình. Còn dư luận thì dậy lên khi mới nghe thông tin dự kiến về vị trí này, chức vụ kia, không có tự nhiên thành có.
Hệ quả là nhiều nhân sự bị “đánh” nhầm. Ở Trung ương hay địa phương, cứ vị trí nào có sự cạnh tranh, có nhiều ứng viên thì lại có những “trò” như thế.
Phó Trưởng Ban Nguyễn Hồng Diên cảnh báo, nếu không cảnh giác, tỉnh táo thì rất dễ người tốt thì bị hủy diệt, kẻ xấu lại được nâng lên.
Nhận định tình hình đó, Trung ương yêu cầu có biện pháp hiệu quả để chấm dứt ngay tình trạng vận động, biếu xén, quà cáp, chạy phiếu bầu, chạy phiếu giới thiệu, đề cử...
Thái Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn