Trong cuộc họp báo chiều 28/5, một câu hỏi được đặt ra với Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt về việc Trung Quốc công bố thử nghiệm thành công việc trồng rau trên cát tại đảo Phú Lâm. Đây được xem là một bước tiến mới cho việc xây dựng cộng đồng dân cư trên đảo để hiện thực hóa các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Đoàn Khắc Việt nêu rõ, như đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mọi hoạt động tại 2 quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế.
Diễn biến khác, liên quan đến việc Trung Quốc khai thác cát trái phép trên Biển Đông, ông Đoàn Khắc Việt cũng một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như quyền chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông.
“Các hoạt động của các bên ở 2 quần đảo này cũng như các khu vực Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, và vi phạm luật pháp quốc tế” - ông Việt nhấn mạnh.
Trước đó, trang China Military Online, một trang thông tin được bảo trợ bởi Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã dẫn một báo cáo của Hải quân Trung Quốc cho biết lực lượng này đã lần đầu tiên thu hoạch được 1,5 tấn rau xanh trồng trên cát, bao gồm 7 loại khác nhau, như bắp cải, rau diếp.
Trang tin trên dẫn lời một quân nhân Trung Quốc cho rằng công nghệ này có thể áp dụng trên quy mô lớn để giải quyết vấn đề thiếu rau xanh của quân và thường dân trên đảo, do đó, sẽ giúp nước này đưa được nhiều dân thường ra đảo hơn.
Công nghệ này đã được nhóm nghiên cứu của hải quân Trung Quốc phối hợp với Đại học Giao thông Trùng Khánh thực hiện trong 4 tháng. Những người nghiên cứu đã trộn một loại bột kết dính sợi thực vật vào cát, sau khi tưới nước, cát sẽ trở thành đất.
Hạt giống được trồng trên diện tích khoảng 330 m2 (0,5 mu) đã cho thu hoạch hơn 1,5 rấn rau sau một tháng, có nghĩa là rau có thể được thu hoạch 5 hoặc 6 lần một năm.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Giao thông Trùng Khánh trước đó đã cải tạo thành công khoảng gần 2.700 m2 đất sa mạc ở khu tự trị Mông Cổ thành đất canh tác năm 2017.
Diễn biến mới này khiến giới nghiên cứu quốc tế hết sức quan tâm, bởi chuyên gia phía Trung Quốc cho rằng thành quả này của họ có thể phản bác các lý luận quốc tế, bao gồm cả phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, là các đảo trên Biển Đông không thể tự duy trì sự sống cho người; do đó, giúp họ có thêm lập luận cho các đòi hỏi chủ quyền phi lý tại Biển Đông.
Không chỉ tự trồng được rau xanh, chuyên gia nước này còn tính đến việc xa hơn là nuôi gà và lợn trên đảo. Hệ sinh thái này sẽ giúp nhiều người hơn có thể sống trên đảo trong thời gian dài hơn và trong tương lai, Trung Quốc có thể hình thành các cộng đồng độc lập trên các đảo tại Biển Đông.
Thái Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn