Đây là những quan điểm khác nhau được đưa ra tại phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội chiều ngày 20/4 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
3,3 triệu cuộc kiểm tra, chỉ 1 vụ rượu độc được khởi tố
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội nêu nhiều nhận định, con số. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng, là một thách thức lớn. Trong thời gian này, toàn quốc ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc với gần 31.000 người mắc, 25.600 người phải nhập viện, 164 người chết.
Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm tỷ lệ 26,6%).
Quản lý an toàn thực phẩm đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu. Kết quả kiểm nghiệm rau quả trong giai đoạn 2011-2016 cho thấy, tỷ lệ tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là gần 8,5%. Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ được giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ, tình trạng chung là không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ…
Theo Đoàn giám sát, hàng nhập khẩu tiểu ngạch, buôn lậu qua biên giới vẫn diễn ra, rất khó kiểm soát. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, hàng trăm tấn phụ gia, thực phẩm từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào Việt Nam. Điển hình là vụ thu giữ 4,2 tấn phụ gia tại Hạ Long, Quảng Ninh đúng 1 năm trước.
“Trong các lô hàng thu giữ có rất nhiều hàng là chất phụ gia, hương liệu có độ độc cao, chuyên dùng để tẩm ướp thực phẩm đã phân huỷ thành thực phẩm tươi sống, tẩy mùi thối, giữ màu…” – báo cáo giám sát mô tả.
Tình trạng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm cũng được đánh giá chung là khá phổ biến, trong nhiều loại hình kinh doanh thực phẩm. An toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến mức báo động. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp cho thấy, 5 năm qua, có gần 680.000 cơ sở được kiểm tra vi phạm quy định (chiếm 20,5%). Con số rất cao đó cũng vẫn chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về an toàn thực phẩm trong thực tế.
Còn số liệu báo cáo từ 48 tỉnh thành thì thể hiện, trong tổng số hơn 408.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, chỉ có 33,6% thuộc diện phải cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Tỷ lệ như vậy là rất thấp.
Trong khi đó, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về ant oàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, nghiêm minh hơn trước nhưng công tác này vẫn còn thụ động, chưa đảm bảo tính răn đe.
Trong 5 năm, có hơn 150.000 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành được thành lập, kiểm tra được trên 3,3 triệu cơ sở, phát hiện gần 680.000 cơ sở vi phạm (tương đương 20,3%). Dù vậy, theo thống kê của Bộ công an, trong thời gian đó, chỉ có 1 vụ việc được khởi tố hình sự, 9 vụ khác được đề nghị truy tố.
Giữa rất nhiều nguyên nhân chỉ ra, nhiều yếu tố chủ quan được tập trung phân tích, như một số cán bộ, công chức, viên thức thực thi công vụ còn chưa nghiêm, có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, thậm chí có dấu hiệu “bảo kê”, bao che của một số cán bộ thực thi công vụ.
Lực lượng thanh tra hiện còn quá mỏng, việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, mặc dù số vi phạm là nhiều, có nhiều vụ nghiêm trọng xong việc xử phạt không tương xứng với mức độ vi phạm. Số vụ việc được xử lý hình sự quá ít so với mức độ nghiêm trọng xảy ra, không tạo sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm.
"Ung thư, chết nhiều không phải do thực phẩm"
Báo cáo thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Công an – Thượng tướng Lê Quý Vương thì thông tin, trong 5 năm, con số xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này được thống kê là trên 13.000 vụ việc, trong đó, riêng lực lượng công an xử lý hơn 8.000 vụ.
1 vụ việc duy nhất được khởi tố hình sự về đúng tội danh “vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” (Điều 244), đó chính là vụ sản xuất rượu methadol gây ngộ độc làm chết 4 người, 3 bị can bị khởi tố. Còn 90 vụ khác được đề nghị truy tố là ở các tội danh liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm như tội sản xuất hàng giả…
Tướng Vương cũng phân tích thêm những khó khăn khiến việc xử lý hình sự các vi phạm trong lĩnh vực này khó khăn. Trước hết, Điều 244 quy định điều kiện để xử lý các đối tượng là hành vi vi phạm phải gây thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa có hướng dân cụ thể hoá để định lượng mức độ nên việc xác định chứng cứ ban đầu rất khó khăn.
Sau nữa, theo quy định, với hành vi này, đòi hỏi về công tác giám định rất lớn, cần giám định xem chất gây độc trong thực phẩm là gì rồi giám định tiếp trên nạn nhân xem người bị hại có đúng là vì chất tìm được trên thực phẩm không. Mà các chất độc thì người sử dụng nhiễm phải nhưng hậu quả có thể nhiều ngày sau mới đến, như vụ rượu độc ở Hà Giang, những người uống sau 2-3 ngày mới bùng phát dấu hiệu ngộ độc, tử vong. Việc chứng minh quan hệ nhân quả như thế cũng không dễ gì.
Cơ bản đồng tình với báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát tối cao nhưng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến cũng giải thích, hiện nay, nguyên nhân hàng đầu gây ung thư là các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mãn tính như viêm gan B, viêm gan C… gây ra.
“Nói ung thư là do thực phẩm bẩn, giờ ăn gì cũng sợ, ăn gì cũng ung thư thì không đúng, gây hoang mang không đáng có” – Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Chốt lại vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, nguy cơ về sức khoẻ do thực phẩm không an toàn là một thực tế, mới hôm qua vừa có thêm một người chết vì rượu cồn công nghiệp, những vụ ngộ độc lớn, tập thể diễn ra hàng ngày cũng rất nhiều. Cơ quan quản lý nhà nước cố gắng nhiều nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi.
“An toàn thực phẩm ngày nay là mối quan tâm rất lớn của người dân khi mức độ nguy hại của thực phẩm bẩn ngày càng nhiều hơn. Nó làm người ta cảm thấy cuộc sống không yên bình, có quá nhiều mối đe doạ xung quanh, ngay cả từ chuyện ăn uống” – Chủ tịch Quốc hội dẫn báo cáo độc lập của Ngân hàng thế giới (WB) về vấn đề này để lưu ý, Việt Nam đã đi đầu trong khu vực, xây dựng được hệ thống khung pháp lý khá đầy đủ với lĩnh vực này, hạn chế lớn nhất cần tập trung khắc phục là khâu tổ chức thực hiện.
Tán thành phân tích, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm nổi bật hơn nữa nhận định về tình hình vì nội dung nêu ra trong dự thảo nghị quyết chưa tương xứng với độ nóng của chủ đề. Theo ông Lưu, cần nhấn mạnh một nguyên nhân chính là xây dựng hệ ý thức xã hội, để không còn hiện tượng mỗi gia đình có 2 luống rau, 2 chuồng lợn, chuồng gà phân biệt để dùng cho gia đình hay để bán.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu chỉ rõ trong dự thảo Nghị quyết những địa chỉ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, địa phương để xảy ra nhiều việc vi phạm.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn