Khoán xe với đại biểu Quốc hội chuyên trách
Vấn đề tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, theo UB thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo công bằng, bình đẳng và áp dụng thống nhất trong cả nước về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công và đề nghị luật hóa các quy định đã thực hiện ở văn bản dưới luật vào dự thảo luật, như các nội dung về định mức xây trụ sở, chức danh sử dụng xe công, giá trị xe, tiêu chuẩn phòng làm việc...
Có ý kiến đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với biến động của kinh tế - xã hội.
Để đảm bảo luật có đời sống lâu dài, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức trong thực tế, UB Thường vụ Quốc hội muốn giữ như dự thảo luật là giao Chính phủ quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công là trụ sở làm việc, xe ô tô (khoản 5 Điều 13).
Vấn đề khoán kinh phí (Điều 33), UB Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng. Một số ý kiến đề nghị thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí không nên giao cho Bộ Tài chính quy định và bổ sung thẩm quyền quy định khoán kinh phí xe ô tô của UB Thường vụ đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Giải trình vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, thực tế hiện nay, việc thí điểm hoặc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng. Việc quy định cách tính mức khoán, các chức danh cụ thể... cần được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và nhu cầu của công tác quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Riêng về thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng thay thẩm quyền của Bộ Tài chính bằng thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định đối tượng, phương pháp xác định mức khoán và không bổ sung thẩm quyền của UB Thường vụ trong việc khoán kinh phí xe ô tô đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách để đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Nội dung này được thể hiện tại khoản 3 Điều 33 của dự thảo luật.
Biển số xe thành một loại tài sản nhà nước
Nội dung khác, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) của UB Thường vụ Quốc hội nêu một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu; vùng trời, vùng biển; giá trị lịch sử, văn hóa; tài sản vô hình, thương hiệu,... vào nội dung phân loại tài sản công tại Điều 4.
Tiếp thu ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 6 Điều 4 nội dung quy định tài sản công là “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung thẩm quyền của Chính phủ quy định khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước tại khoản 3 Điều 13.
Tham gia ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải vẫn băn khoăn, đưa biển số xe vào kho số, coi là một loại tài sản nhà nước thì cũng nghĩa khuyến khích tâm lý, suy nghĩ “tín”, chạy theo số đẹp, có nên không?
“Số đẹp là một thị trường đặc biệt mà chỉ có một số người quan tâm, để ý. Vậy nên việc tách, đưa ra 1.000 con số nào đó chẳng hạn, nói là số đẹp, ước định tính thành bao nhiêu tỷ đồng không hợp lý, phải rất cân nhắc” – ông Hải nói.
Trái lại, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng, biển số xe đẹp cũng có thể đưa vào làm một loại tài sản nhà nước được, thực hiện theo điều 33 Hiến pháp.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn