Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 hôm qua (24/12), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng các báo cáo rà soát các bất cập, chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định của pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách an sinh xã hội; việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đồng thời rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ. Cơ quan tư pháp các cấp đã tham gia sâu và trách nhiệm cho Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc giải quyết kịp thời nhiều vấn đề pháp lý phát sinh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh…
Trong năm 2019, toàn ngành đã tập trung rà soát được trên 40.300 văn bản quy phạm pháp luật; đưa vào khai thác, sử dụng 120/271 đề mục của Bộ Pháp điển, qua đó đã giúp cho hệ thống pháp luật dễ được tiếp cận và minh bạch hơn; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã nỗ lực tham mưu Chính phủ thực hiện các giải pháp hiệu quả, xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Công tác thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao; nhiều địa phương đã nỗ lực, hoàn thành vượt bậc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, qua đó, đã bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các kết luận của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc nâng cao hiệu lực hiệu quả pháp luật về tố tụng hành chính.
Phó Thủ tướng đánh giá, Bộ Tư pháp đã tham gia trách nhiệm, toàn diện về các vấn đề pháp lý quốc tế trong quá trình hội nhập. Bộ cũng đại diện cho Chính phủ tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế và đã bảo vệ thành công tối đa lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng nhận định, công tác tư pháp vẫn còn những vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của Chính phủ và người dân. Tiến độ, chất lượng một số dự án luật trình Quốc hội còn chưa bảo đảm. Tỷ lệ thi hành án dân sự về tiền còn thấp so với số việc có điều kiện thi hành…
Định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương
Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần đảm bảo việc hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên và khai thác những lợi thế từ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hạn chế những tác động tiêu cực thông qua việc xây dựng các biện pháp phòng vệ, hàng rào pháp lý.
Đồng thời, Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương.
“Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các đồng chí cần phải tiếp tục làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trong quá trình xây dựng chính sách, cụ thể hóa chính sách cần phải nghiên cứu kỹ các nghị quyết của Đảng để đề xuất, cụ thể hóa thành chính sách pháp luật, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”- Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong đó cần tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tham gia tích cực vào triển khai các nhiệm vụ công tác của Bộ, ngành, địa phương mình. Tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp địa phương cũng cần phối hợp tốt hơn nữa với Bộ Tư pháp trong triển khai các nhiệm vụ.
Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn