Hăng hái làm nông nghiệp công nghệ cao
Theo chân cán bộ xã Thoại Giang, PV đến nhà ông Phan Thanh Xuân tham quan mô hình trồng dưa chuột trong nhà kính đầu tiên của xã. Chúng tôi khá bất ngờ khi ở tuổi thất thập nhưng ông Xuân đang là một trong những hộ dân tiên phong thực hiện mô hình trồng dưa leo đòi hỏi nhiều kỹ thuật này.
Ông Xuân cho biết, vốn đã thạo công việc làm vườn nên khi cán bộ nông nghiệp giới thiệu mô hình trồng dưa leo trong nhà kính, ông đăng ký tìm hiểu. Sau vài lớp tập huấn, tìm hiểu về kỹ thuật, ông sang sửa mảnh vườn hơn 500m2 áp dụng mô hình.
“Tất cả việc tưới cây, bón phân, phun thuốc đều bằng một cái bấm nút công tắc điện. Hàng ngày tôi chỉ theo dõi cây phát triển thế nào để gia giảm lượng nước, phân, thuốc. Vấn đề nào khó hơn thì lên mạng học hỏi hoặc nhờ các anh em kỹ thuật nông nghiệp xã, huyện hướng dẫn. Hiện tôi cũng không phải lo đầu ra cho sản phẩm…” - ông Xuân chia sẻ.
Cũng tại xã nông thôn mới Thoại Giang, chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm linh chi của anh Nguyễn Hùng Sinh. Theo anh Sinh, năm 2018, anh được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ & Khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ An Giang) hỗ trợ thay đổi thiết bị, chuyển giao cho quy trình ứng dụng công nghệ vào sản xuất, như: tạo độ ẩm bằng sóng âm, theo dõi và điều khiển độ ẩm bằng điện thoại thông minh, sấy nấm bằng năng lượng mặt trời... Từ khi áp dụng công nghệ mới, năng suất trại nấm tăng 30%.
Anh Sinh cho biết, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, địa phương đang hỗ trợ anh phát triển nấm linh chi Trí Thức trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Thoại Giang.
Cán bộ xã Thoại Giang còn dẫn chúng tôi tham quan nhiều mô hình nông nghiệp đang mang lại hiệu quả cao khác như mô hình trồng quýt bằng hệ thống tưới và phun thuốc điều khiển bằng remote của ông Phan Thanh Mạnh (lợi nhuận trên nửa tỷ đồng/năm); mô hình nuôi cá lóc trên bể lót bạt ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Út (lợi nhuận gần nửa tỷ đồng/năm); mô hình chế biến bong bóng cá, sơ chế khô mực của ông Trần Văn Ngây (thu lợi nhuận trên 1,7 tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 150 lao động nghèo với mức thu nhập 80.000 - 100.000 đồng/ngày).
Ông Lê Hiền Hòa – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thoại Giang cho biết, những mô hình tiên tiến này đã có sức lan tỏa đến người dân trong toàn xã, cùng nhau hăng hái lao động, nhờ đó bình quân thu nhập đầu người tăng từ 40 triệu đồng/hộ/năm lên 57,3 triệu đồng/hộ/năm, trở thành xã nông thôn mới có mức bình quân thu nhập đầu người cao nhất tỉnh.
Dân giàu, dân trí cao
Nói về bộ mặt nông thôn xã Thoại Giang, ông Phan Thanh Xuân cho rằng đó là nhờ chính sách đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước. "Khi người dân chúng tôi biết mục đích xây dựng nông thôn mới là làm vì người dân, cho người dân, bà con ai nấy đều chung tay, góp công, góp của cùng nhau xây dựng làng xóm thêm xanh, đẹp, ngày càng khang trang", lão nông chia sẻ.
Điều ông Xuân cũng như nhiều người dân địa phương tâm đắc nhất là từ khi xã được công nhận xã nông thôn mới rồi tiến lên hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, không chỉ các tiêu chí “điện, đường, trường, trạm” đảm bảo mà trình độ dân trí của người dân được nâng cao đáng kể. Con trẻ chăm ngoan hiếu học, thanh niên, người lớn đua nhau lao động sản xuất, liên kết làm ăn...
Ông Lê Hiền Hòa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thoại Giang cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, không có điểm dừng. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực hỗ trợ để không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020 và nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025; nhất là các tiêu chí về sản xuất, thu nhập, văn hoá, y tế, giáo dục, môi trường và an ninh trật tự.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, cho rằng kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới đạt kết quả như hôm nay là vì cả hệ thống chính trị vào cuộc; chính quyền các cấp giúp dân làm giàu từ ngành kinh tế nông nghiệp bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất; xây dựng các chuỗi sản xuất theo tính quy mô, đảm bảo đầu ra cho nông sản... Song song đó, các ngành liên quan, các tổ chức đảng và chính quyền các cấp tuyên truyền sâu rộng đến người dân về ý nghĩa xây dựng nông thôn mới; làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng. Một khi vai trò chủ thể của người dân được phát huy và kinh tế người dân phát triển thì mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương sẽ thành công.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sau 10 năm thực hiện chương trình, đến nay toàn tỉnh An Giang có 54 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 45,38%), 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM mới (TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên) và 1 đơn vị huyện NTM là huyện Thoại Sơn.
Tính đến 12/2019, toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn, hoàn thành mục tiêu chương trình sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Nguyễn Hành
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn