Sáng 27/12, phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành nội vụ, ông Phan Trung Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, hiện có 45 tỉnh thành thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Đến thời điểm này đã có 42/45 tỉnh thành gửi hồ sơ đề án chi tiết việc sắp xếp đơn vị hành chính đến Bộ Nội vụ. 3 tỉnh thành chưa gửi hồ sơ đề án về Bộ Nội vụ để thẩm định là Cần Thơ, TP HCM và Kiên Giang.
Ông Tuấn cho biết, theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả nước có 19 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, các tỉnh thành đề nghị chỉ sắp xếp 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 10 huyện còn lại chưa sắp xếp đợt này (4 huyện đặc thù như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cồn Cổ, Tân Phú Đông có vị trí địa lý đặc thù nên không thể sắp xếp được với huyện liền kề). Mặt khác tỉnh Quảng Ninh đề nghị sắp xếp huyện thuộc diện khuyến khích là Hoàng Bồ với TP Hạ Long.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, qua sắp xếp cả nước đã giảm được 6 huyện, trong đó tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện, Quảng Ngãi giảm 1 huyện, Hòa Bình giảm 1 huyện, Quảng Ninh giảm 1 huyện. Ngoài ra, các tỉnh Yên Bái, Điện Biên cũng điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không giảm được số huyện.
Theo ông Pham Trung Tuấn, cả nước có 1.054 đơn vị hành chính cấp xã đã sắp xếp, trong đó có 546 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 397 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Sau sắp xếp, Bộ Nội vụ dự kiến sẽ giảm 560 xã, trong đó Hòa Bình giảm 59 xã, Cao Bằng giảm 38 xã, Phú Thọ giảm 52 xã, Hà Tĩnh giảm 46 xã, Thanh Hóa giảm 76 xã…
Đại diện Bộ Nội vụ đánh giá các địa phương đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng đơn vị hành chính cấp huyện, xã để vừa đạt mục tiêu làm giảm số lượng đơn vị hành chính, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp.
Quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Bộ Nội vụ cho biết, nếu không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên không thực hiện sắp xếp, thì các địa phương chỉ sắp xếp 9/15 đơn vị hành chính cấp huyện (đạt 60%). Sau sắp xếp chỉ giảm được 6 huyện (cả nước có 713 đơn vị hành chính cấp huyện). Nhiều đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định.
Tham luận tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo cho biết, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh dự kiến giảm 38 đơn vị cấp xã, trong đó số cán bộ, công chức dôi dư 720 người và 624 người hoạt động không chuyên trách.
Để giải quyết cán bộ công chức dôi dư, Cao Bằng đánh giá lại chất lượng cán bộ, công chức, giải quyết nghỉ việc cho các trường hợp không đáp ứng nhiệm vụ do thiếu năng lực, trình độ, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Tỉnh Cao Bằng giải quyết chế độ đối với những người không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm. Về cán bộ dôi dư hoạt động không chuyên trách, Cao Bằng đã ban hành chính sách hỗ trợ một lần cho hơn 21.000 đối tượng, với tổng kinh phí 85 tỷ đồng.
Đáng lưu ý theo ông Thảo, từ năm 2018, Cao Bằng không tổ chức tuyển dụng công chức trong toàn tỉnh, chỉ thực hiện việc điều động công chức dôi dư từ xã này sang xã khác trong huyện, hoặc đến các xã thuộc huyện khác khi có vị trí phù hợp.
Cao Bằng đề nghị Chính phủ thực hiện có lộ trình việc sắp xếp cán bộ dôi dư, cụ thể nên quy định đến thời điểm 31/12/2021, số lượng cán bộ công chức cấp xã phải bằng hoặc thấp hơn so với quy định. Theo ông Thảo, điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 39 của Trung ương về tinh giản biên chế 10% hiện đang áp dụng tại các cơ quan đơn vị.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Lợi Đức, Phó giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa có tới 143 đơn vị trong diện phải sắp xếp, nên có tác động lớn đến tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức. Để sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư, Thanh Hóa đã thực hiện hỗ trợ 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; hỗ trợ một lần 12 tháng tiền lương đối với các trường hợp thôi việc ngay...
Theo ông Đức, việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính của Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể, Thanh Hóa dự kiến bố trí 555 người đến đơn vị cấp xã còn thiếu, nghỉ hưu theo quy định 332 người, tinh giản 264 người, 1.199 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sẽ nghỉ việc và hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Theo ông Đức, kinh nghiệm được Thanh Hóa đúc rút trong quá trình sáp nhập là phải có cách làm phù hợp, chặt chẽ, không gây xáo trộn lớn, người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động…
“Trong quá trình thực hiện phải giải quyết chế độ chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan và có lộ trình bố trí, sắp xếp để đúng số lượng quy định, nhưng cũng phải đảm bảo tính nhân văn trong công tác cán bộ”, ông Đức cho hay.
Về việc này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, việc sắp xếp, giải quyết cán bộ công chức dôi dư được cụ thể hóa trong từng đề án của mỗi địa phương. Từ tinh giản biên chế, cho thôi việc, chờ nghỉ hưu, đến bố trí sang địa bàn khác, tất cả các phương án đều được thảo luận, trao đổi kỹ trước khi trình lên Chính phủ để trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. “Các địa phương cần căn cứ vào đề án đã được phê duyệt để giải quyết, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Quang Phong
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn