Tốt nghiệp lớp chất lượng cao tiếng Anh Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, anh Đức từ chối lời mời làm giáo viên, hướng dẫn viên du lịch để về làm nước mắm.
Sinh ra trong gia đình vùng biển có 7 người con, khi Đinh Công Đức bảy tuổi thì bố qua đời. Trải qua tuổi thơ cực khổ, Đức quyết tâm vào đại học, lập nghiệp ở thành phố. Năm 2016, Đức tốt nghiệp khóa chất lượng cao tiếng Anh đầu tiên của Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, được giới thiệu làm giáo viên ở TP Tam Kỳ với lương khởi điểm 7 triệu đồng. Một doanh nghiệp du lịch tuyển anh vào làm việc ở Phú Quốc lương tháng 15 triệu đồng.
Anh Đinh Công Đức đang lọc lấy nước mắm. Ảnh: Đắc Thành
Với sinh viên mới ra trường, mức thu nhập trên được cho là khá, nhưng Đức từ chối. Sau 4 năm học ở Đà Nẵng, Đức không còn muốn bám trụ ở thành phố nữa. Anh suy nghĩ quê có bến cá An Lương, xã Duy Hải, nằm cuối sông Thu Bồn đổ ra biển Cửa Đại. Mỗi ngày vào vụ đánh bắt, tàu thuyền chở về hàng chục tấn cá cơm, rất thuận lợi để làm nước mắm. Cạnh bến cá, Đức có mảnh đất của ông bà để lại gần 2.000 m2, có thể xây cơ sở sản xuất nước mắm.
Về quê trình bày ý tưởng với người thân, Đức bị chỉ trích. Mẹ anh nói cho ăn học để kiếm được việc làm ở thành phố, đằng này quay về quê làm nước mắm, chẳng khác gì "đốt tiền". Nghe Đức giải thích, dần dần mẹ anh ủng hộ. "Tôi sinh ra, lớn lên ở vùng quê có bố làm nước mắm. Từ nhỏ, mùi nước mắm gắn liền với tuổi thơ nên tôi mong muốn phát huy nghề của quê hương", anh giải thích.
Khởi nghiệp bằng 500 triệu đồng, là khoản anh tích góp trong 4 năm đại học bằng việc thu gom hải sản chở ra Đà Nẵng bán cho các chợ đầu mối. Từ số tiền này, Đức vay mượn anh trai xây dựng nhà xưởng 800 triệu đồng, lấy địa danh quê hương đặt tên cho cơ sở là "Mắm nhĩ Cửa Đại".
Anh Đinh Công Đức đang kiểm tra các bể muối. Ảnh: Đắc Thành
Không có tiền mua nguyên liệu cá cơm, Đức cầm sổ đỏ của mẹ ra ngân hàng vay vốn, nhưng không được chấp nhận. Thấy quyết tâm của em, anh trai lại cho vay hơn 300 triệu đồng. Từ tháng 1 đến 4 âm lịch là vụ cá cơm, ngư dân cho tàu vào bến bán cá, Đức thu mua về muối. Với tỷ lệ ba cá một muối, sau 8 đến 12 tháng, Đức bắt đầu lấy nước mắm.
"Cá cơm đầu mùa to con, lượng đạm nhiều, tôi mua về muối liền để giữ được độ tươi ngon. Đến khi nào mắm chuyển sang màu cánh dán hoặc gỗ phách là mang ra lọc trên dàn rổ tre, có lót lớp vải mỏng 3-4 lần là đạt tiêu chuẩn. Nước mắm lọc càng kỹ sẽ loại bỏ được xác cá và chất lượng thơm ngon hơn", anh chia sẻ.
Con đường khởi nghiệp của Đức đang suôn sẻ, bất ngờ năm 2017 bão Damrey thổi bay mái che hai bể mắm, nước mưa vào làm hư hỏng. "Tôi lỗ hơn 200 triệu đồng. Số nợ ngày một tăng lên, nhiều lúc nghĩ mình đã đi sai đường", anh kể và nói giờ bỏ giữa chừng lấy tiền đâu trả nợ nên quyết tâm theo đến cùng. Để có tiền mua cá, anh gặp người thân vay mượn.
Khi có thành phẩm, anh đem giới thiệu cho các mối, nhưng bị từ chối vì tên nhãn hàng lạ, đành gửi ít chai nước mắm để giới thiệu sản phẩm. Sau một thời gian khách hàng mua về, thấy chất lượng nên quen dùng. Sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, Đức bắt đầu có lãi.
Tuy nhiên, hai năm Covid-19, sản phẩm làm ra không bán được. Nước mắm truyền thống không có chất bảo quản, nếu để lâu bị chuyển màu đen, nhìn không đẹp, càng khó bán. Đức lại phải đưa hàng đi khắp nơi ký gửi nhờ bán.
Nước mắm anh Đức sản xuất ra có màu vàng cánh dán. Ảnh: Đắc Thành
Hiện anh Đức đã đầu tư gần 3 tỷ đồng cho cơ sở, với tám bể muối mắm bê tông và hàng chục bể sành sứ. Toàn bộ khu sản xuất được lát gạch men sạch sẽ. Mỗi năm, cơ sở cung cấp ra thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng hơn 30.000 lít nước mắm và hơn 30 tấn mắm nêm. Mỗi lít nước mắm giá 100.000 đồng, mắm nêm 25.000-30.000 đồng/kg.
"Tổng doanh thu bán hàng một năm hơn một tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, tiền lời khoảng 250 triệu đồng", anh Đức cho biết. Cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 7 người, thu nhập 6-7 triệu đồng mỗi tháng, khi thời vụ thu hút hàng chục người.
Nhìn lại chặng đường 7 năm với vài lần suýt sạt nghiệp, trong khi nhiều bạn cùng khóa tiếng Anh làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài thu nhập cao, ở nhà phố, người đàn ông 31 tuổi, dáng dong dỏng, nước da rám nắng bảo không tiếc nuối. Khởi nghiệp bận rộn, lo tính toán đầu vào, đầu ra, đảm bảo chất lượng sản phẩm và suốt ngày bị mùi mắm ám vào người, nhưng anh Đức thấy vui. Anh vui vì được làm chủ trên chính quê mình, được tiếp nối nghề của bố.
Hiện anh Đức đã lập gia đình, có hai con, công việc tại cơ sở chủ yếu do anh quán xuyến, vợ bán thuốc tây, thi thoảng phụ giúp chồng sổ sách. Hàng ngày, anh dậy sớm để kiểm tra các bể mắm, khi công nhân đến thì giám sát các công đoạn sản xuất. Các khoản vay khởi nghiệp đã trả hết, anh có được khoản tích lũy để mở rộng thị trường ra TP HCM và Hà Nội. "Hiện một số doanh nghiệp đặt vấn đề hợp tác để bán sản phẩm ở hai thành phố này", anh kể.
Ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, cho biết năm 2022 huyện có 3 sản phẩm đạt OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có nước mắm của anh Đinh Công Đức. "Hội đồng thẩm định của huyện công nhận nước mắm của Đức đạt OCOP 4 sao", ông nói và nhận xét sản phẩm được đầu tư bài bản, mẫu mã đẹp, sạch sẽ, chất lượng đạt tiêu chuẩn. Chính quyền huyện đã nộp hồ sơ tới hội đồng thẩm định OCOP của tỉnh Quảng Nam xem xét.
Tác giả: Đắc Thành
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn