Hội thảo đã thu hút gần 90 tham luận của các vị lãnh đạo, các nhà khoa học quân sự, những nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đặc biệt tham dự Hội thảo còn có ông Trần Đức Lương, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh An Giang cùng hơn 500 cán bộ chiến sĩ, lực lượng vũ trang, các đồng chí lão thành cách mạng đã tham dự.
Cách đây tròn 40 năm, thực hiện quyền tự vệ chính đáng của dân tộc, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã đứng lên đập tan tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary, bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia, giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng và bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển.
Các vị đại biểu tham dự hội thảo.
Chỉ trong vòng gần 4 năm, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary đã tàn sát gần 3 triệu người dân Campuchia, xóa bỏ hầu hết cơ sở vật chất - xã hội và đẩy dân tộc Khmer trước thảm họa diệt vong.
Đối với Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, huy động hàng chục sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. Đi đến đâu chúng cũng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Tại An Giang, trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30/4/1978, chúng đã giết chết 3.157 thường dân tại xã Ba Chúc, nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Chỉ trong 12 ngày chiếm đóng, tập đoàn phản động Pôn Pốt - lêng Xary đã giết chết 3.157 thường dân An Giang
Trước hành động xâm lược và tội ác diệt chủng của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary, quân dân Việt Nam đã đứng lên chiến đấu cùng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành các cuộc tiến công, phản công đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7 tháng Giêng năm 1979.
Trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt đó, biết bao cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh hoặc để lại một phần máu, thịt của mình trên các chiến trường. Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng. Cùng với thời gian, sự giúp đỡ ấy cũng như tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam - Campuchia sẽ mãi được khắc ghi trong lịch sử và trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thủy trung, trong sáng giữa hai dân tộc.
Cuộc hội thảo lần này đặc biệt có ý nghĩa trong việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập tự chủ và khát vọng hòa bình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Tác giả: Nguyễn Hành
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn