Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày dự thảo nghị quyết 02 tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Chỉ tiêu được quốc tế đánh giá tốt, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng
Dự thảo nghị quyết (ngày 25/12/2018) “về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021” cho biết nghị quyết này tiếp nối các nghị quyết 19.
Mục tiêu tổng quát là nâng cao thứ hạng trong xếp hạng quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Báo cáo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (UN) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng 4.0.
Mục tiêu tổng quát cũng xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.
Nghị quyết 19 năm 2018 đặt mục tiêu đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.
Dự thảo nghị quyết 02 của năm nay vẫn đặt mục tiêu phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam thuộc nhóm ASEAN 4.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì mục tiêu lọt vào tốp 4 nước ASEAN theo nghị quyết 19 qua các năm còn rất khó khăn khi phần nhiều chỉ số đứng thứ 5, có những chỉ số đứng thứ 6-7 nhưng cũng có chỉ số đứng thứ 3.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, đối với đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về 11 chỉ tiêu trọng điểm thì có 6/11 chỉ tiêu được đánh giá tốt, rất tốt, có cải thiện nhanh. 5/11 chỉ tiêu còn kém, ít được cải thiện như thủ tục phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu, hoặc những chỉ tiêu được quốc tế đánh giá tốt như thủ tục xây dựng đứng thứ 21 nhưng 51% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng.
Phó Thủ tướng thông tin, nhiều chuyên gia độc lập đánh giá chính sách chung của chúng ta tốt nhưng thực hiện cụ thể ở bên dưới liên quan đến đội ngũ công chức chưa thực sự tốt.
Đề cập quá trình sửa đổi, ban hành nghị định 15 về kiểm tra an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, Phó thủ tướng cho biết quá trình đối thoại về nghị định này, trong 10 kiến nghị của doanh nghiệp chỉ có 2 kiến nghị đúng, 3 kiến nghị vừa đúng, vừa sai, 5 kiến nghị thì các cơ quan quản lý nhà nước có lý.
Theo ông Đam, qua đó có thể thấy Chính phủ luôn luôn phải cân đối yêu cầu quản lý đồng thời tạo điều kiện thuận lợi chứ không tạo điều kiện thuận lợi một chiều mà buông lỏng quản lý.
Đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên 4.0
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng trình bày, Nghị quyết 02 dựa trên 7 bộ chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế, có mục tiêu phấn đấu cụ thể cho năm 2019 và năm 2021. Trong hơn 300 tiêu chí của dự thảo nghị quyết này có 71 tiêu chí được xác định là trọng tâm, trọng điểm, có sự lan toả.
Về bộ tiêu chí “sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai”, Phó Thủ tướng cho biết, từ năm 2017, WEF đã thay đổi bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia thành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên 4.0 và thêm một báo cáo đánh giá về sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai.
Đây là lý do tại sao năm 2018, điểm số tuyệt đối của Việt Nam tăng nhưng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia lại giảm 1 bậc.
Về báo cáo sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, WEF nghiên cứu 100 nước trên thế giới chiếm 96% GDP thế giới chia làm 4 nhóm. Nhóm dẫn đầu gồm 25 quốc gia, ở ASEAN có Malaysia và Singapore; nhóm thứ hai là những nước có tiềm năng gồm 7 nước; nhóm thứ ba có nền sản xuất trước là tốt nhưng chưa sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai có 10 nước, trong ASEAN có Philippines và Thái Lan; nhóm cuối cùng nền tảng sản xuất cũ chưa tốt, cũng chưa sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai trong đó ASEAN có Việt Nam, Indonesia, Campuchia.
Vì vậy, Việt Nam phải tập trung vào chỉ tiêu này với hai trụ cột là đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Điểm mới khác trong dự thảo nghị quyết 02 là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trên tinh thần doanh nghiệp là trung tâm, cổ vũ cho sáng tạo, đẩy mạnh tự chủ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, đặc biệt cần phải làm chủ các công nghệ ngoại nhập và tham gia phát triển.
Với yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Start-up), Phó thủ tướng nói hiện mới chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp này trên tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp của cả nước trong khi Singapore có 5 triệu dân nhưng đã có 2.400 doanh nghiệp Start-up, số vốn huy động gấp 4 lần Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp Start-up cần hỗ trợ về thuế, vốn, không gian sáng tạo… nhưng quan trọng nhất là cần tạo cho họ thị trường ban đầu, nhất là thị trường do Nhà nước quản lý và dữ liệu lớn để các doanh nghiệp này cùng tham gia và phát triển trên nền tảng công nghệ mới.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn